Thời gian qua, các cấp uỷ, chính quyền huyện Bình Lục chú trọng thực hiện nghiêm túc công tác đối thoại giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền với nhân dân; tập trung giải quyết các đề xuất, kiến nghị sau đối thoại, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và cấp uỷ, chính quyền các cấp.
Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác đối thoại, tiếp xúc trực tiếp với nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, những năm qua, Đảng ủy xã Đồng Du (Bình Lục) đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, ngành về công tác đối thoại, tiếp xúc trực tiếp với nhân dân. Từ năm 2020 đến nay, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã đã tổ chức 10 cuộc đối thoại với trên 700 đại biểu tham dự; tiếp nhận 129 ý kiến, kiến nghị; đã chỉ đạo giải quyết trên 98% ý kiến, kiến nghị theo thẩm quyền; một số kiến nghị vượt thẩm quyền, xã đã chủ động đề xuất cấp trên giải quyết theo quy định. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Khiêm, thôn An Bài, xã Đồng Du, tham dự các hội nghị đối thoại, người dân được nắm rõ hơn các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương, nhất là trong thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, với các tiêu chí cụ thể về quy hoạch, xây dựng các thiết chế văn hoá, cơ sở hạ tầng; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, thực hiện các mô hình, chính sách an sinh xã hội; công tác quốc phòng, an ninh, vệ sinh môi trường, trồng hoa, cây xanh, xây dựng cảnh quan...
Cùng với tăng cường các hội nghị đối thoại, cấp ủy, chính quyền xã An Lão luôn coi trọng việc tiếp thu, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của nhân dân; ban hành thông báo ý kiến kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, yêu cầu các ngành có liên quan giải quyết hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời, đúng quy định những kiến nghị không thuộc thẩm quyền. Đồng chí Trần Ngọc Thượng, Bí thư Đảng uỷ xã An Lão cho biết: Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo đảm công khai, minh bạch theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng” nên trong các hội nghị đối thoại, xã An Lão luôn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của nhân dân, các ý kiến cơ bản được trả lời, giải quyết kịp thời. Qua đó, vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân tham gia phong trào thi đua yêu nước gắn với xây dựng NTM nâng cao.
Theo đồng chí Vũ Trùng Dương, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Bình Lục, đối thoại là cơ hội để lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện tiếp xúc trực tiếp với người dân, hiểu rõ hơn những tâm tư, nguyện vọng và nhận diện các vấn đề nóng, cấp bách đang diễn ra tại địa phương, từ đó có giải pháp xử lý kịp thời. Đặc biệt, trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, sự tương tác giữa người dân và chính quyền không chỉ là trách nhiệm mà còn là yêu cầu đối với sự minh bạch, công khai trong quá trình lãnh đạo. Hội nghị đối thoại diễn ra thường xuyên, người dân sẽ cảm thấy tiếng nói của mình được lắng nghe, từ đó tăng cường niềm tin vào cấp uỷ, chính quyền, góp phần xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa chính quyền và người dân. Nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đối thoại trực tiếp với nhân dân và quán triệt sâu sắc chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận, những năm qua, Huyện ủy Bình Lục luôn coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về công tác đối thoại, tiếp thu ý kiến của nhân dân; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch tổ chức các hội nghị đối thoại định kỳ của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp huyện hằng năm bảo đảm nghiêm túc, hiệu quả thiết thực. Mặt khác, tăng cường kiểm tra, giám sát, tổ chức thực hiện; chỉ đạo đảng ủy các xã, thị trấn đăng ký lịch đối thoại, đối tượng, địa điểm đối thoại của đồng chí bí thư đảng uỷ, chủ tịch UBND xã, thị trấn ngay từ đầu năm và giao Ban Dân vận Huyện ủy thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện của các đơn vị, tổng hợp báo cáo Thường trực Huyện uỷ theo tiến độ hằng tuần. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương, đơn vị tăng cường đối thoại với nhân dân trong quá trình giải quyết các vụ việc.
Từ năm 2020 đến nay, huyện Bình Lục đã tổ chức 156 cuộc đối thoại. Nội dung đối thoại tập trung: công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, hệ thống chính trị; các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, công tác quốc phòng, an ninh, thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, đô thị văn minh; quy hoạch phát triển đô thị, nông thôn; công tác giải phóng mặt bằng triển khai các chương trình, dự án trên địa bàn; công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, quản lý đất đai; thực hiện chính sách an sinh xã hội; xây dựng các thiết chế văn hoá; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, triển khai các mô hình, nâng cao thu nhập cho đoàn viên, hội viên, nhân dân...
Cùng với việc tổ chức tốt các hội nghị đối thoại, các cấp ủy, chính quyền trong huyện còn luôn coi trọng việc tiếp thu, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của nhân dân sau đối thoại. Cụ thể, thông qua đối thoại đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đã tiếp thu 102 ý kiến; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn đã tiếp thu 1.176 ý kiến. Đến nay, trên 98% ý kiến của nhân dân đã được giải quyết bằng hình thức giải đáp trực tiếp tại các hội nghị đối thoại. Sau đối thoại, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ra thông báo kết luận chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành chức năng liên quan tham mưu, phối hợp, giải quyết theo thẩm quyền và đối với các vấn đề liên quan đến nhiều cấp, ngành, cần có thời gian giải quyết và có cơ chế, sự chỉ đạo của cấp trên, huyện và các địa phương đang tiếp tục tập trung chỉ đạo, đề xuất giải quyết theo quy định.
Nhờ coi trọng công tác đối thoại, giải quyết các ý kiến sau đối thoại đã giúp Bình Lục giảm đáng kể đơn thư khiếu nại, tố cáo..., góp phần tạo sự thống nhất trong toàn đảng bộ, sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng huyện NTM nâng cao.
Nguyễn Hằng