Đừng lao vào “tín dụng đen”

Đầu tháng 11 này, tại một cuộc họp báo, Công an TP. Hồ Chí Minh thông tin đã lên danh sách 600 đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi và đang thu thập tài liệu để xử lý. Một thông tin mới nhưng dư luận không thấy bất ngờ.

Không bất ngờ bởi “tín dụng đen” đang xảy ra ở hầu khắp các địa phương với nhiều hình thức và biến đổi thường xuyên. Đó là những “công ty tài chính” có trụ sở, con dấu, có tư cách pháp nhân lợi dụng kẽ hở của luật pháp để hợp thức hóa hoạt động của mình; đó là những cửa hàng cầm đồ mọc lên ở khắp nơi phục vụ cho những người cần tiền gấp…; đó có thể là những người bạn không cần gặp mặt vẫn có thể vay tiền một cách vô cùng đơn giản thông qua những địa chỉ, thông tin được đưa lên internet hay dán đầy ở các điểm công cộng, nhiều khi các tờ rơi còn được ném vào tận cửa nhà…

“Tín dụng đen” đa dạng và thay đổi liên tục nhưng chúng đều có điểm chung. Thứ nhất, thủ tục vay mượn đơn giản: “Đàng hoàng” nhất là các hợp đồng mua bán trả góp, cầm cố sổ đỏ, tài sản, còn không thì chỉ cần có sổ hộ khẩu, chứng minh thư hay là thẻ sinh viên… thậm chí, có khi chỉ nhấc điện thoại lên là có kẻ mang tiền cho vay tận nhà. Thứ hai, lãi suất “cắt cổ”: Tùy từng trường hợp, bối cảnh, đối tượng mà mức lãi suất có thể linh động trong khoảng từ 1 - 2 nghìn đồng đến trên 10 nghìn đồng/triệu/ngày… Nhìn con số vài nghìn đồng, nhiều người chậc lưỡi nhưng thực tế lãi suất lên đến hàng trăm % một năm. Lãi mẹ đẻ lãi con, rồi còn phạt chậm trả khiến nhiều người riêng trả lãi đã gấp mấy lần vốn vay mà vẫn còn nguyên khoản nợ. Thứ ba, hệ lụy của việc không trả được nợ là những cuộc đòi nợ khủng khiếp: Từ việc mang băng zôn khẩu hiệu, ném chất bẩn vào nhà đến bắt người tra tấn, đánh đập…, không tìm được con nợ thì tìm đến thân nhân và gia đình người nợ để gây chuyện… Chuyện một cô giáo ở TP. Hồ Chí Minh phải viết đơn xin “xã hội đen” tha cho khi bị “khủng bố” vì có người chị dâu nợ tiền chúng nghe như chuyện hài mà không ai cười nổi...

“Tín dụng đen” thực sự đang gây nhức nhối xã hội, đẩy nhiều người vào cảnh khốn cùng, tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất an ninh trật tự… Cần lắm sự vào cuộc quyết liệt của cấp ngành chức năng nhằm ngăn chặn những hoạt động vi phạm pháp luật trong hoạt động tín dụng nhưng trên hết phải là sự tỉnh táo của những người đang cần tiền. Những chiếc “bẫy” luôn được giương lên chờ những kẻ cố tình xông vào và cả những người không may “lạc bước” để sập xuống. Có nhiều cách để giải quyết khó khăn trong cuộc sống, nhưng “tín dụng đen” là một trong những cách tồi tệ nhất. Đừng lao vào “tín dụng đen”.

Khánh Ngọc

Lê Kỳ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy