Ngoài danh lam thắng cảnh cùng những nét văn hóa đặc trưng mang đậm dấu ấn vùng quê sông Châu núi Đọi, thì nụ cười, sự thân thiện của những người làm du lịch cũng như của người dân là điểm nhấn quan trọng để thu hút, níu chân du khách đến với Hà Nam. Đặc biệt, năm 2023 lần đầu tiên Hà Nam được Giải thưởng Du lịch thế giới vinh danh là “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới”.
Hà Nam hiện có 12 điểm du lịch đã được công nhận, trong đó 5 khu, điểm du lịch đã được quy hoạch; gần 200 cơ sở lưu trú du lịch (2 khách sạn 5 sao, 9 khách sạn 3 sao, 18 khách sạn 1 - 2 sao) với tổng số gần 4.000 phòng đạt tiêu chuẩn và gần 30 doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển khách du lịch hoạt động ổn định. Số lượt khách du lịch đến với Hà Nam trong những năm qua không ngừng gia tăng. Bình quân mỗi năm, du lịch Hà Nam tăng trưởng từ 20 đến 25%. Tổng số khách du lịch 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 3.850.000 lượt (đạt 89,5% so với kế hoạch năm, đạt 112,6% so với năm 2023), trong đó: khách quốc tế ước đạt 80.000 lượt, khách nội địa ước đạt 3.770.000 lượt; tổng thu từ du lịch ước đạt 2.947,5 tỷ đồng (đạt 89,3% kế hoạch năm và 110,3% so cùng kỳ năm trước).
Thời gian qua, Hà Nam tăng cường tổ chức nhiều hoạt động quảng bá mạnh mẽ tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, các chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực phát triển dịch vụ du lịch, những nét đặc sắc hấp dẫn, giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch, các điểm đến và sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch theo “Đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Hà Nam giai đoạn 2019 - 2025” đã được UBND tỉnh phê duyệt, hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), Hiệp hội Du lịch tỉnh phối hợp với các cơ sở đào tạo, đơn vị, doanh nghiệp liên quan tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành cho lực lượng lao động du lịch, đặc biệt chú trọng việc nâng cao chất lượng phục vụ, xây dựng văn hóa ứng xử, giao tiếp thân thiện, mến khách cho một số nhóm đối tượng thường xuyên tiếp xúc với du khách (nhân viên phục vụ bàn, quầy bar, lễ tân, thu ngân, nhân viên bán hàng, bảo vệ… khách sạn, nhà hàng, điểm du lịch). Giảng viên các lớp tập huấn đã hướng dẫn, trình bày nội dung liên quan đến nghệ thuật giao tiếp trong công tác phục vụ, tầm quan trọng của nụ cười thân thiện đối với ngành du lịch, phong cách ứng xử để luôn giữ được nụ cười thân thiện đối với khách. Các học viên cũng được hướng dẫn thực hành tạo nụ cười thân thiện thông qua cách cười, ngôn ngữ hình thể, tác phong, lời nói… để tạo sự gần gũi, mến khách.
Để phát triển du lịch bền vững, Hà Nam tăng cường chỉ đạo kiểm soát tốt thị trường du lịch, nhất là ở những địa bàn trọng điểm. Các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh đã thành lập đoàn công tác, tổ chức nhiều đợt kiểm tra, đồng thời kiểm tra đột xuất những hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ phục vụ du khách; quan tâm ghi nhận những phản hồi của du khách để kịp thời xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, khắc phục thiếu sót, cải thiện chất lượng dịch vụ du lịch. Các phương tiện thông tin đại chúng trong tỉnh tích cực đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch tới đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người đang làm việc tại những điểm du lịch, chú trọng nội dung: Đề cao đạo đức nghề nghiệp của hướng dẫn viên đối với khách du lịch và điểm đến; thân thiện, trách nhiệm, nhiệt tình trong khi hướng dẫn khách du lịch; luôn tươi cười, thể hiện thái độ, hành vi tôn trọng du khách… qua đó nhằm đem lại những trải nghiệm trọn vẹn cho người dân, du khách, giữ vững thương hiệu, hình ảnh du lịch Hà Nam an toàn, thân thiện, hấp dẫn.
Theo Giám đốc Sở VH,TT&DL Mai Thành Chung, thúc đẩy phát triển du lịch đồng nghĩa với việc đề cao cách ứng xử văn minh, thân thiện. Để du khách có ấn tượng tốt và sẵn sàng quay trở lại thì những nụ cười niềm nở, sự đón tiếp nồng hậu, nhiệt tình của người làm du lịch, người dân tại điểm đến luôn là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Với những khách hàng khác nhau, thái độ phục vụ cũng có sự khác nhau, nhưng căn bản nhất, bao trùm nhất vẫn là phong cách niềm nở, nhiệt tình. Ngoài việc tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng thì quan trọng nhất với mỗi nhân viên du lịch là phải tự học hỏi, trau dồi kỹ năng, xử lý tình huống. Trong hoạt động du lịch có hàng trăm, hàng nghìn tình huống khác nhau, không tình huống nào giống tình huống nào. Chính vì vậy, việc cần ở người làm trong ngành du lịch là sự tinh tế, khéo léo để ứng xử thông minh, có văn hóa, tạo hình ảnh đẹp về vùng đất, con người tại điểm đến.
Do làm tốt công tác tuyên truyền nên tại hầu hết các khu, điểm du lịch trong tỉnh, điển hình là Khu du lịch Tam Chúc, cùng với hệ thống sản phẩm du lịch độc đáo, dịch vụ từ tâm đã được thiết lập với những hành động cúi chào thân thiện, nụ cười rạng rỡ và trên hết là sự chăm sóc du khách tận tình, chu đáo. Xác định sự hài lòng của du khách chính là niềm vui của những người làm dịch vụ nên bên cạnh thái độ niềm nở, nhiệt tình, vui vẻ, các điểm du lịch còn khuyến khích thực hiện phong trào “4 xin” (xin chào, xin cảm ơn, xin phép, xin lỗi) và “4 luôn” (luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ) để mang lại sự hài lòng cho du khách khi đến với Hà Nam.
Với mục tiêu xây dựng hình ảnh một Hà Nam ngày càng văn minh, thân thiện, mến khách, ngành VH,TT&DL xác định thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động mọi người, không chỉ là cán bộ, công chức, nhân viên bán hàng, lễ tân, hướng dẫn viên, lái taxi… mà là tất cả người dân Hà Nam luôn niềm nở chào hỏi, nở nụ cười và nhiệt tình hỗ trợ thông tin cần thiết cho du khách. Những hành động tưởng chừng rất nhỏ bé, bình dị đó sẽ mang đến giá trị thiết thực, lâu dài, tạo thêm “chất xúc tác” gắn kết du khách trong và ngoài nước, góp phần quảng bá, khẳng định thương hiệu du lịch Hà Nam.
Hoàng Oanh, Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật tỉnh Hà Nam
.