Đổi thay ở các miền quê

Trong những đầu ngày thu tháng Tám, người dân cả nước hướng tới kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 -19/8/2024), lật lại những trang truyện ngắn của nhà văn Nam Cao (người làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân xưa nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân) – nhà văn hiện thực phê phán xuất sắc giai đoạn 1930 – 1945 càng thêm tự hào về thành quả to lớn của Cách mạng Tháng Tám. 79 năm trước, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình, đem đến sự đổi thay kỳ diệu cho mỗi làng quê.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới ách thống trị của bọn thực dân phong kiến, nhân dân ta phải chịu kiếp sống nô lệ lầm than, hết sức cơ cực. Bằng tài năng xuất sắc, với quan điểm “Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than” (truyện ngắn Giăng sáng) nhà văn Nam Cao đã phản ánh chân thực và rõ nét cuộc sống khốn khó, bần hàn, cơ cực của người dân qua từng truyện ngắn của mình. Lấy nguyên mẫu là làng Đại Hoàng, dưới ngòi bút của nhà văn Nam Cao, làng Vũ Đại – làng quê điển hình cho các làng quê Việt Nam dưới ách cai trị của bọn thực dân phong kiến hiện lên tù túng, tăm tối, xác xơ với những kiếp người bị ức hiếp, chà đạp, sống cuộc sống bần hàn, vô cùng khốn khổ.

Đường và cổng làng Thượng Thọ, Bình Nghĩa (Bình Lục) được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp.

Đó là cái nghèo, cái đói đeo bám quanh năm. Từ trẻ nhỏ tới người già lúc nào cũng trong cảnh bị cái đói nghèo hành hạ. “-Nhạt quá, bu ạ. Chị Chuột mắng con: - Làm gì có nhiều mật mà ngọt. Có mà ăn cho no bụng là phúc rồi. Thằng cu chừng đói quá không chịu được, lại há mồm ra. Mẹ nó đút cho nó một xêu nhỏ nữa. Nó nhắm mắt, duỗi cổ, cố nuốt cho trôi. Nhưng cũng như lần trước, nó lại ọe ra, và khóc òa lên. Chị đĩ Chuột lấy tay áo lau nước mắt không cầm nổi đã trào ra hai má hõm xanh bủng như người ngã nước. Cái Gái lấy tay di một cục “chè”. Rồi bỗng nói to lên: - A! Con biết rồi! Không phải chè, cám mà! Cám mà u bảo chè!” – truyện ngắn "Nghèo". “Luôn mấy hôm, tôi thấy lão Hạc chỉ ăn khoai. Rồi khoai cũng hết. Bắt đầu từ đấy, lão chế tạo được món gì, ăn món ấy. Hôm thì lão ăn củ chuối, hôm thì lão ăn sung luộc, hôm thì ăn rau má, với thỉnh thoảng một vài củ ráy, hay bữa trai, bữa ốc.” - truyện ngắn "Lão Hạc". “Thấy lũ con đứa nào cũng nhăn nhăn, nhó nhó, người mẹ thương đứt ruột. Thị biết rằng chúng đói.” – truyện ngắn "Trẻ con không được ăn thịt chó"...

Đó là cảnh những người dân hiền lành, lương thiện nhưng dần bị xã hội đẩy vào đường cùng trở thành kẻ lưu manh, tha hóa như Binh Chức, Chí Phèo. “Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: Đời là tất cả nhưng cũng chẳng là ai. Tức mình hắn chửi cả làng Vũ Đại.” – truyện ngắn "Chí Phèo". 

Tuy nhiên, dù nghèo khó cùng cực, dù bị áp bức bất công nhưng người dân vẫn giữ được phẩm chất hiền lành, chân thật và thiện lương như Lão Hạc, chị đĩ Chuột... Ngay cả Chí Phèo, khi bị chèn ép, bị đẩy đến bước đường cùng, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, vẫn có những giây phút Chí Phèo mong muốn được hoàn lương, trở về làm người lương thiện, mong muốn có được cuộc sống bình dị như bao người dân khác...

Làng Vũ Đại nghèo xác xơ với những kiếp người khốn cùng phải chịu kiếp ngựa trâu “một cổ hai tròng” giờ chỉ còn trong những trang sách. Trên bước đường đổi mới hôm nay, diện mạo làng quê nhà văn Nam Cao nói riêng, các miền quê trên địa bàn tỉnh nói chung đang có sự đổi thay tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Toàn tỉnh giờ không còn hộ đói, hộ nghèo đa chiều đến nay giảm còn 2,2%. Trẻ em trong độ tuổi đều được cắp sách đến trường.

Đặc biệt, hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, với nỗ lực và quyết tâm cao, đến nay, 83/83 xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn xã nông thôn mới; 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 19 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Điểm nhấn nổi bật là hệ thống hạ tầng giao thông thời gian qua được đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ bản đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền.

Nhờ triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn 6 tháng đầu năm 2024 đạt 32 triệu đồng. Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, để rèn luyện nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần, những năm qua phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng ở khắp các địa phương không ngừng phát triển cả về số lượng cũng như chất lượng. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể dục, thể thao cơ sở được quan tâm đầu tư hoàn thiện.

Đặc biệt, để bảo đảm cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, công tác thu gom, xử lý chất thải, nước thải ở khu vực nông thôn được quan tâm, chú trọng. Đường làng, ngõ xóm định kỳ hằng tháng được các địa phương duy trì tổng vệ sinh sạch sẽ. Cùng với đó, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phát động đầu tư lắp đặt hệ thống đường điện chiếu sáng; trồng, chăm sóc hoa, cây xanh ở ven đường trục xã, trục thôn, trụ sở, trường học, khu dân cư... Bên cạnh đó, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh, tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn ổn định và được giữ vững...

Thu nay, về các địa phương, người dân đều bày tỏ niềm vui, sự phấn khởi trước sự đổi thay rõ nét của quê hương. Đường làng, ngõ xóm được thảm nhựa, bê tông rộng rãi; trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng khang trang; nhà văn hóa thôn được xây dựng kiên cố là nơi hội họp, tổ chức các hoạt động cộng đồng cho nhân dân... Thay thế những nhà tranh vách đất, nhà cấp bốn xập xệ, xuống cấp xưa là những ngôi nhà mái bằng, cao tầng mọc lên san sát. Phần lớn người dân nông thôn được sử dụng nước máy thay nước ao, nước giếng...

Mừng vui trước sự đổi thay kỳ diệu của quê hương, người dân bày tỏ niềm tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; đồng thời thể hiện rõ quyết tâm phát huy tinh thần đoàn kết tiếp tục chung sức đồng lòng trong xây dựng và đổi mới quê hương.    

Phạm Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy