Âm hưởng dân ca trong những ca khúc mới về Hà Nam

Điểm thành công nổi bật dễ nhận thấy trong hàng loạt ca khúc mới viết về mảnh đất núi Đọi - sông Châu một số năm gần đây là nhiều nhạc sĩ khai thác, sử dụng chính chất liệu dân ca Hà Nam, dân ca vùng đồng bằng Bắc Bộ để tạo nên những điểm nhấn thẩm mỹ rất hiệu quả, được công chúng hào hứng đón nhận.

Trong số những sáng tác thành công đó, ý âm nhạc theo phong cách hiện đại đã có sự hòa quyện, giao thoa nhuần nhị, đầy ngẫu hứng với chất liệu dân ca truyền thống vùng miền, tạo ra một mảng sắc màu phong cách riêng có trong vô vàn sự phong phú, đa dạng của đời sống âm nhạc đương đại.

Có thể nói, những ca khúc mới viết về Hà Nam cũng như các vùng quê Bình Lục, Duy Tiên, Lý Nhân, Thanh Liêm, Kim Bảng hay trung tâm tỉnh lỵ - thành phố ngã ba sông Phủ Lý có số lượng và tần suất xuất hiện khá dầy, nhất là sau thời điểm 1997, khi vùng đất núi Đọi - sông Châu văn hiến trở lại với danh xưng tự hào - Hà Nam.

Tần suất "ra đời" dày, số lượng nhiều nhưng mỗi sáng tác đều gây được hiệu ứng lan tỏa bất ngờ, mạnh mẽ với số đông công chúng yêu nhạc trong và ngoài tỉnh bởi sự thành công có được từ cách khai thác, sử dụng rất khéo, rất nghề, rất có duyên vốn quý dân ca Hà Nam.

Với "Tìm em theo câu hát dân ca", nhạc sĩ Nguyễn Tiến không những lấy tứ nhạc: "Anh về tìm em theo câu dân ca - Con mắt liếc lại bằng ba đứng gần" làm chủ đề chính để cấu tứ nên "vóc dáng" cho sáng tác của mình mà còn rất tinh tế khi biến tấu ca từ, giai điệu của câu "Hát mời" trong chùm hát giao duyên vùng ngã ba sông Móng nổi tiếng để đưa vào làm điệp khúc đoạn kết một cách ngẫu hứng, thật khéo léo và duyên dáng: "Anh về thưa với mẹ cha/ Để đôi ta được làm con một nhà".

Các nghệ sỹ Nhà hát Chèo Hà Nam thể hiện tiết mục dân ca về Hà Nam tại Liên hoan Du lịch làng nghề - ẩm thực Hà Nam năm 2017. Ảnh: Thế Tân

Với ca khúc "Hà Nam quê hương tôi", một sáng tác đầm nặng tình cảm thiết tha, hướng về của nhạc sĩ Hữu Xuân, âm hưởng những làn điệu dân ca truyền thống quê hương cũng thể hiện rất rõ trong từng khổ nhạc, từng lớp ca từ: "Dưới mái đình thiêng liêng vui những ngày lễ hội/ Nhịp hát giọng xưa/ Tiếng chầu văn xôn xao nỗi nhớ/  Hà Nam ơi! hôm nay/ Đàn chim én ngang trời chao trong mùa lúa mới/  Trăng sáng nhẹ rơi/ Quê hương mình, thương quá Hà Nam ơi!!!...".

Đặc biệt, ca khúc "Từ trong hương lúa" của nhạc sĩ Minh Quang thì ngay ở phần mở đầu, tác giả đã dường như dành "vị trí trang trọng nhất" để tái hiện âm hưởng sôi động, đầy ngẫu hứng của một trong những "chùm dân ca" đặc sắc nhất vùng đất đồng chiêm trũng Hà Nam - hát Lả Lê. Để rồi, trong suốt chiều dài của ca khúc này, những giai điệu rộn rã, sôi nổi của hát Lả Lê tạo nên âm hưởng rất ấn tượng về cả giai điệu, ca từ cho mỗi khổ nhạc: "Lả lê… ôi rằng… lả lê/ Lả lê… ôi rằng… lả lê/ Từ trong hương lúa/Cánh cò bay lả/ Từ trong hương lúa/ Ngọt ngào tiếng mẹ, tiếng cha/ Lả lê… ôi rằng… lả lê/ Lả lê…ôi rằng… lả lê/ Trầu cay, trầu cay nào tay em hái đó/ Đỏ son, đỏ son môi mình, môi ta". Và nối tiếp, đan xen, phát triển thành cao trào với những biến tấu rất linh hoạt, uyển chuyển: "Từ trong hương lúa/ Cánh cò bay lả/ Từ trong hương lúa/ Vọng về tiếng của ngàn xưa/ Lả lê… ối rằng… lả lê… / Lả lê… ối rằng… lả lê"/ Đọi Tam âm vang trống trận đi giữ nước/ Quyển Sơn câu hát dậm gửi về nước cùng non/ Từ trong hương lúa/ Cánh cò bay lả/ Từ trong hương lúa/ Hào kiệt, nhân sĩ ngời danh/ Lả lê… ối rằng… lả lê … / Lả lê… ối rằng… lả lê…".

Với "Tình em cô gái đồng chiêm" (nhạc sĩ Sĩ Thắng), chất liệu dân ca Hà Nam lại có sự hòa quyện rất duyên cùng chất liệu chèo, chầu văn truyền thống: "Ai qua sông Đáy xin về quê em/ Nơi đất đồng chiêm đẹp bao cô Tấm/ Bốn mùa gió sương, thức khuya dậy sớm/ Chăm lo tảo tần thêm đẹp, thêm duyên…"; hay như: "Em như hương lúa ngát đồng quê ta/ Như khúc dân ca bên núi Nguyệt Hằng/ Đồng chiêm ơi, tháng ngày mưa nắng/ Nhuộm tình em, nhuộm cả tình anh"; "Tình em cô gái đồng chiêm/ Tình em như nắng tháng năm, như mưa tháng bẩy vơi đầy lòng anh". Trong "Duyên quê" - một sáng tác thành công khác của Sĩ Thắng về mảnh đất sông Châu - núi Đọi cũng thấm đẫm âm hưởng vốn cổ truyền thống dân ca Hà Nam: "Say lòng người câu hát người ơi"; "Mùa xuân sang tiếng trống rộn ràng/ Hạt lúa vàng, nong kén vàng, lá trầu vàng, duyên thắm tình quê/ Anh đi mang nặng tình quê/ Cho em chín nắng mười mưa đợi chờ/ Yêu em như ngàn câu hát/ Duyên quê em giữ trọn, duyên mình em đợi anh/ Anh đi mang nặng tình em/ Cho em chín nhớ mười thương…".

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều năm qua, tại không ít những sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng của các cấp, ngành, đoàn thể trong tỉnh, những sáng tác âm nhạc mang đậm âm hưởng dân ca quê hương này thường được các nhà tổ chức "ưu tiên" lựa chọn để đưa lên sàn diễn và luôn nhận được sự hòa đồng, tán thưởng, cổ vũ nhiệt tình từ đông đảo khán, thính giả. Phải chăng đó chính là lời khẳng định giàu sức thuyết phục về sự thành công của các nhạc sĩ trong cách thức khai thác, gìn giữ, tôn vinh vốn quý văn hóa dân gian về lĩnh vực âm nhạc, diễn xướng mà cha ông để lại.

Bằng cảm nhận thẩm mỹ tinh tế và khả năng sáng tạo của các nhạc sĩ, nguồn chất liệu dân ca truyền thống quê hương Hà Nam đã và sẽ tiếp tục thăng hoa, lan tỏa trong những tác phẩm âm nhạc, tạo nên giá trị và hiệu ứng cảm nhận nghệ thuật mạnh mẽ nơi công chúng. Âm hưởng dịu ngọt, ân tình, nguồn cội ấy sẽ mãi là mạch nguồn cảm hứng nghệ thuật thanh tân, giàu sức sống, nhân lên tình yêu, niềm tự hào trong mỗi chúng ta về mảnh đất, con người Hà Nam ngàn năm văn hiến đang tự tin vững bước với lộ trình đổi mới, hội nhập, phát triển.

Thế Vĩnh

Thế Vĩnh, Thế Trang

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy