Hành vi lái xe vào làn khẩn cấp mỗi khi tắc đường trên cao tốc gây bức xúc nhiều tài xế cùng lưu thông. Vậy khi nào hành vi này sẽ không bị phạt theo Luật Giao thông đường bộ?
Làn khẩn cấp là làn nằm ngoài cùng bên phải trên đường cao tốc, được thiết kế để phục vụ việc dừng khẩn cấp khi xảy ra sự cố. Làn này được phân biệt với các làn đường chính bằng một vạch sơn liền màu trắng phản quang và có chiều rộng tối thiểu từ 2,5 - 3,3m, tùy vào tốc độ cho phép của tuyến đường đó.
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008, phương tiện không được phép sử dụng làn khẩn cấp trên đường cao tốc trong quá trình tham gia giao thông. Nhưng nhiều tài xế dù biết vẫn cố tình đi vào làn khẩn cấp vì làn đường này thông thoáng, không có xe lưu thông, từ đó tiết kiệm thời gian di chuyển và không phải xếp hàng theo làn mỗi khi tắc đường.
Việc nhiều phương tiện thản nhiên chạy vào làn khẩn cấp không chỉ vi phạm Luật Giao thông đường bộ mà còn gây cản trở cho các phương tiện cứu hộ, cứu nạn, đồng thời gây ra sự bức xúc cho đại đa số các tài xế khác đang chạy xe tuân thủ đúng quy định.
Theo điểm g, khoản 5, Điều 5 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, tài xế sẽ bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng đối với hành vi điều khiển ô tô chạy vào làn dừng xe khẩn cấp trên đường cao tốc mà không có lý do chính đáng. Ngoài ra, tài xế còn bị tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, ngoại trừ xe ưu tiên làm nhiệm vụ, các phương tiện vẫn có thể được phép đi vào làn khẩn cấp.
Cụ thể, trong trường hợp giảm tải căng thẳng giao thông trong các dịp nghỉ lễ dài ngày, cơ quan chức năng sẽ cho phép tạm thời các phương tiện đi vào làn khẩn cấp ở một số tuyến đường nhất định trong khoảng thời gian giới hạn.
Ngoài ra, trong trường hợp tuyến đường cao tốc đang xảy ra tai nạn giao thông và gây ra ùn tắc ở các làn chính, khi đó các phương tiện có thể đi vào làn khẩn cấp dưới sự điều tiết của lực lượng CSGT.
Theo vietnamnet.vn