Tài xế cần bình tĩnh, chuyển về số thấp, dùng phanh tay để hãm tốc độ, đưa xe về làn đường ít phương tiện nhất để giảm thiệt hại.
Ôtô bị mất phanh là tình huống tuy ít xảy ra, nhưng có độ nguy hiểm cao cho cả người lẫn các phương tiện đang lưu thông trên đường, đặc biệt là những xe có tải trọng lớn, ví dụ như xe tải hoặc container. Khi đối mặt với trường hợp này, tài xế cần giữ bình tĩnh, và thực hiện các biện áp an toàn để giảm thiểu thiệt hại xuống mức thấp nhất có thể.
Việc đầu tiên cần làm là thao tác đạp "nhồi" vào chân phanh liên tục nếu xe có sử dụng hệ thống phanh thủy lực, thao tác này có thể giúp phanh khôi phục một phần hiệu quả, khiến giảm tốc độ của xe.
Trong trường hợp đạp phanh không có tác dụng giảm tốc, tài xế có thể kéo phanh tay, vốn hoạt động độc lập với phanh chính. Lưu ý không kéo phanh tay đột ngột vì có thể làm lật phương tiện, hoặc khiến xe mất lái. Đối với xe có trang bị phanh tay điện tử, cần kéo và giữ cho đến khi xe dừng hẳn, thay vì kéo và buông ra như khi xe đang đứng yên. Nếu xe có trang bị hệ thống phanh khí xả (cúp pô), cần kích hoạt để việc giảm tốc độ diễn ra hiệu quả hơn.
Việc mất phanh đối với các xe tải sử dụng hệ thống phanh hơi là điều khó xảy ra vì cấu tạo đặc biệt của loại phanh này, khi hư hỏng hệ thống phanh sẽ tự động trở về trạng thái bó chặt. Tuy nhiên, nếu xe tải nặng, chỉ dùng phanh thôi có thể không đủ để dừng xe vì quán tính lớn. Lúc này, cần áp dụng các biện pháp an toàn khác.
Cùng với việc dùng phanh, tài xế có thể chuyển xuống số thấp để tận dụng lực hãm của động cơ để giảm tốc độ của phương tiện.
Ngoài ra, tài xế nên đưa xe vào làn đường ít có phương tiện hoặc người đang di chuyển nhất. Nếu ở trên cao tốc cần đưa vào làn khẩn cấp, nếu ở trên các đường khác cần đưa xe vào sát làn bên phải nếu trống. Cần bật đèn khẩn cấp (hazard) trong những tình huống nguy hiểm này.
Lưu ý rằng không được tắt máy xe trong lúc mất phanh, vì khi tắt máy toàn bộ hệ thống điện, trợ lực vô-lăng, và phanh động cơ sẽ không còn hoạt động, khiến xe lao nhanh và khó đánh lái, dễ xảy ra tai nạn hơn. Chỉ tắt máy một khi xe đã dừng hẳn.
Phòng tránh hiện tượng mất phanh - "Lên số nào xuống số đó"
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mất phanh, như có bọt khí bên trong đường ống, rò rỉ dầu phanh, má phanh bị hư hại hoặc mòn, má phanh quá nhiệt/đĩa phanh quá nhiệt, đường trơn trượt. Cách phòng tránh hữu hiệu nhất là kiểm tra định kỳ toàn bộ hệ thống phanh, và thay thế các linh kiện hao hụt (má phanh, dầu phanh) nếu cần thiết.
Bên cạnh đó, để hệ thống phanh hoạt động một cách tối ưu và bền bỉ nhất, tài xế nên biết dùng phanh đúng cách và đúng thời điểm. Ví dụ như khi thả dốc, tài xế không nên dùng phanh liên tục để giảm tốc độ, vì sẽ làm phanh hoặc dầu phanh quá nhiệt, sôi lên và có thể xảy ra tình trạng mất phanh.
Thay vào đó, cần đưa xe về số thấp, hoặc phanh khí xả để tận dụng độ hãm động cơ để giảm tốc độ. Khi xuống số thấp lúc đang đổ dốc tốc độ cao, vòng tua sẽ tăng lên nhanh chóng, xe "gầm" lên, đây là hiện tượng bình thường, khi di chuyển chậm lại vòng tua máy sẽ về mức ổn định. "Lên dốc số nào, xuống dốc số đó" là "khẩu quyết" của các tài xế xe tải, xe container để lái xe an toàn.
Tuy nhiên trong một số trường hợp mất phanh, xe đang lao nhanh, việc về số thấp với các tài xế xe tải là rất khó. Vì lúc này tua động cơ đang tăng cao, việc chuyển số có thể khiến hư hại hoàn toàn hệ truyền động. Do đó, tài xế nên thực hiện việc giảm về số thấp trước khi đi xuống dốc.
Ngoài ra, nếu đi xe số sàn, tài xế không nên ngắt côn để thả trôi khi xuống dốc, vì lúc này xe lao nhanh theo quán tính, động cơ không có khả năng hãm lại, việc giảm tốc độ phụ thuộc hoàn toàn vào phanh, khiến phanh làm việc nặng hơn, dễ hư hại hơn.
Theo vnexpress.net