Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản

Được thiên nhiên ưu đãi, tỉnh ta có nguồn tài nguyên khoáng sản đá vôi phong phú, tập trung tại huyện Thanh Liêm và thị xã Kim Bảng. Thời gian qua, công tác quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản từng bước được nâng cao, giúp sử dụng tiết kiệm, chống lãng phí và phát huy tốt hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, bảo đảm phát triển ổn định, bền vững.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước

Để khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản tiết kiệm, hiệu quả, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này. Việc cấp phép, khai thác tài nguyên khoáng sản bảo đảm đúng theo quy hoạch và các quy định, không để lãng phí, bảo đảm phát triển lâu dài.

Nâng cao hiệu quả quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản
Sản phẩm vữa khô Tân Thủy của Công ty cổ phần Khoáng sản Tân Thủy (xã Thanh Sơn, Kim Bảng). Ảnh: Trần Thoan

 Trong công tác quản lý, tỉnh chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về khoáng sản; quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh được phê duyệt tại Quyết định số 948/QĐ-UBND ngày 11/9/2014, nay được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1868/QĐ-TTg ngày 26/12/2023 theo quy định của Luật Quy hoạch ngày 24/11/2017… Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 10/9/2021 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản giai đoạn 2021-2025; trong đó nêu rõ các nội dung: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong thực hiện chính sách, pháp luật về tài nguyên đất đai, khoáng sản; xây dựng phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2030; quản lý nguồn tài nguyên đất đai, khoáng sản một cách khoa học, hiện đại; xây dựng kế hoạch, lộ trình và thực hiện nghiêm kế hoạch, lộ trình đã đề ra, khắc phục những vi phạm, khuyết điểm trong quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản…

Những năm qua, công tác quản lý khoáng sản được tăng cường theo hướng phân cấp, phân quyền, quy định rõ trách nhiệm cụ thể và phối hợp thực hiện trong công tác quản lý khoáng sản đối với các sở, ngành và chính quyền các cấp. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật về khoáng sản và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Ông Nguyễn Quang Nghiệp, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Hằng năm, đơn vị đều đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện lập bản đồ hiện trạng, mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác khoáng sản để xác định trữ lượng khoáng sản còn lại, trữ lượng khoáng sản đã khai thác làm cơ sở cho công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng, lập báo cáo hoạt động khoáng sản và tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản để tổng hợp số liệu báo cáo UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường và chuyển Cục Thuế tỉnh để phối hợp đối chiếu với kết quả kê khai của các doanh nghiệp, từ đó yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ với Nhà nước. Đến nay, cơ bản các mỏ được cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã thực hiện việc đo, lập bản đồ hiện trạng, thống kê kiểm kê trữ lượng khoáng sản theo quy định. Thông qua kết quả đo, lập bản đồ hiện trạng mỏ đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những sai phạm của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản.

Nâng cao hiệu quả quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản
Hoạt động khai thác, chế biến VLXD tại thôn Hồng Sơn (Thanh Sơn, Kim Bảng).

Trên địa bàn tỉnh hiện có tổng số 98 doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản. Trong đó, 83 doanh nghiệp được cấp phép theo thẩm quyền của tỉnh chuyên khai thác, chế biến vật liệu thông thường (đá xây dựng, đất đá san lấp); 15 doanh nghiệp được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác và sản xuất các loại vật liệu cao cấp (xi măng, vôi). Các doanh nghiệp sau khi được cấp giấy phép khai thác khoáng sản đã chủ động ký hợp đồng thuê đất mỏ, thuê đất khu chế biến với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định, làm đường kết nối từ mỏ ra đường vận chuyển chung của huyện, tỉnh.

Phát huy hiệu quả khai thác

Trên địa bàn tỉnh hiện có tổng số 98 doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản. Trong đó, 83 doanh nghiệp được cấp phép theo thẩm quyền của tỉnh chuyên khai thác, chế biến vật liệu thông thường (đá xây dựng, đất đá san lấp); 15 doanh nghiệp được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác và sản xuất các loại vật liệu cao cấp (xi măng, vôi). Các doanh nghiệp sau khi được cấp giấy phép khai thác khoáng sản đã chủ động ký hợp đồng thuê đất mỏ, thuê đất khu chế biến với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định, làm đường kết nối từ mỏ ra đường vận chuyển chung của huyện, tỉnh. Việc khai thác khoáng sản tại các mỏ cơ bản thực hiện đúng các quy định của Luật Khoáng sản và quy định khác của pháp luật liên quan. Các doanh nghiệp đã đầu tư khai thác và triển khai khai thác theo dự án được chấp thuận, sử dụng khoáng sản đúng mục đích, thực hiện nghĩa vụ với nhà nước và địa phương theo quy định.

Có thể nói, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản của tỉnh thời gian qua phát triển hiệu quả. Các sản phẩm, sản phẩm chế biến từ khoáng sản khá đa dạng, từ đá xây dựng, đất đá san lấp đến xi măng, vôi, bột nhẹ. Sản phẩm từ khai thác, chế biến khoáng sản (xi măng, bột nhẹ, vôi công nghiệp) phục vụ nhu cầu cả trong nội địa và xuất khẩu sang các nước. Được biết, tổng sản lượng vật liệu xây dựng khai thác của các doanh nghiệp do tỉnh cấp phép mỗi năm khoảng 31 triệu m3 đá các loại; đá phục vụ sản xuất xi măng và vôi 6,5 triệu m3. Các doanh nghiệp đều khai thác theo đúng sản lượng đã được cấp phép. Đơn cử như tại Công ty cổ phần khoáng sản Lộc Hà, xã Thanh Tân (Thanh Liêm) được cấp phép mở khai thác hơn 9 ha từ năm 2008, có thời hạn 30 năm. Mỗi năm doanh nghiệp có sản lượng khai thác 200 nghìn m3 đá các loại làm VLXD. Công ty thực hiện nghiêm công tác bảo vệ môi trường, khai thác đúng sản lượng được cấp phép. Ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Công ty cổ phần khoáng sản Lộc Hà cho biết: Mục tiêu của doanh nghiệp là phát triển ổn định gắn với góp phần xây dựng kinh tế của tỉnh từ hoạt động khai khoáng. Quá trình khai thác, doanh nghiệp luôn chấp hành đầy đủ nghĩa vụ về thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường với Nhà nước.

Nâng cao hiệu quả quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản
Sản phẩm vôi công nghiệp được cung cấp bởi Công ty TNHH Văn Hoa (Tiểu khu La Mát, Kiện Khê, Thanh Liêm). Ảnh: Kim Chi

Hoạt động khai thác khoáng sản đã tạo việc làm ổn định cho hơn 5.000 lao động nông nhàn tại địa phương, với mức thu nhập từ 300 – 500 nghìn đồng/ngày công. Đồng thời, đóng góp vào ngân sách nhà nước, tạo nền tảng và động lực cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tính trong 4 năm (từ 2019 đến 2023), nguồn thu từ khai thác khoáng sản của tỉnh đạt gần 4.871 tỷ đồng bao gồm: thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền thuê đất và các loại thuế phí khác. Tổng tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường các tổ chức đã ký trong 4 năm đạt hơn 49 tỷ đồng.

Những năm qua, nguồn vật liệu xây dựng từ khai thác, chế biến khoáng sản đã đáp ứng nhu cầu nguyên vật liệu xây dựng các công trình, dự án trong và ngoài tỉnh. Thời gian gần đây, khi hệ thống đường giao thông được xây dựng, kết nối phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nguồn đất đá san lấp từ hoạt động khoáng sản góp phần quan trọng, chiếm khoảng 30 – 40% nhu cầu. Qua đó, giúp giảm chi phí vận chuyển, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác quản lý, khai thác khoáng sản vẫn còn bộc lộ những hạn chế, thiếu sót, đó là: việc đôn đốc các doanh nghiệp khắc phục những tồn tại sau kết luận thanh tra có việc còn chậm; công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác và giám sát hoạt động khai thác khoáng sản của chính quyền một số địa phương cấp xã chưa được quan tâm đúng mức, có nơi còn chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ; hạ tầng giao thông chưa được đầu tư, nâng cấp đồng bộ, nhiều đoạn đường đã xuống cấp (ĐT 494C, 495C); nguyên vật liệu khi vận chuyển còn rơi vãi xuống đường làm giảm chất lượng đường và tăng phát thải bụi. Cùng với đó, việc xử lý vi phạm, đề xuất xử lý vi phạm đối với hành vi vi phạm hành chính của một số doanh nghiệp trong lĩnh vực khoáng sản, môi trường chưa đủ sức răn đe nên vẫn còn hiện tượng tái phạm; lực lượng cán bộ quản lý hoạt động khoáng sản mỏng, trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý còn thiếu; nhận thức pháp luật của một số doanh nghiệp trong hoạt động khoáng sản còn hạn chế, công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác của chính quyền địa phương có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức. Hoạt động khai thác đá phải sử dụng vật liệu nổ công nghiệp còn mang yếu tố rủi ro (quá trình khai thác làm cho khu vực xung quanh đá bị om dẫn đến trượt lở ngoài tầm kiểm soát của chủ doanh nghiệp); việc tính số lợi bất hợp pháp đối với các doanh nghiệp vi phạm trong hoạt động khoáng sản do pháp luật chưa có quy định cụ thể về các chi phí trực tiếp trong quá trình khai thác cho một mét khối đá nên chưa có cơ sở để tính thu lợi bất hợp pháp đối với các doanh nghiệp vi phạm theo quy định.

Nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng

Theo ông Nguyễn Quang Nghiệp, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã cho thấy hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn cần tăng cường công tác quản lý về hoạt động khoáng sản, khắc phục những hạn chế. Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, nhất là khoáng sản chưa khai thác. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh, vận chuyển khoáng sản, việc thực hiện công tác bảo đảm an toàn lao động trên địa bàn cần tiếp tục được quan tâm đúng mức, nhất là đấu tranh chống các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, phí; khai thác khi chưa hoàn thành thủ tục, khai thác vượt công suất, khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác. Kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định đối với các vi phạm, đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi giấy phép khai thác; đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường đối với những khu vực khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm hoạt động khai thác, vận chuyển, buôn bán, xuất khẩu khoáng sản trái phép; rà soát, kiểm tra công tác đóng cửa mỏ đối với các giấy phép khai thác khoáng sản đã chấm dứt hiệu lực theo quy định.

Nâng cao hiệu quả quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản
Tuyến đường giao thông mới được xây dựng từ nguồn VLXD trong tỉnh. Ảnh: Kim Chi

Cùng với đó, cần nâng cao vai trò trách nhiệm của UBND cấp huyện, cấp xã trong việc thực hiện công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện và có biện pháp ngăn chặn kịp thời các hành vi khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý (nếu vượt thẩm quyền) đối với các hành vi vi phạm theo quy định; nâng cao nhận thức của cộng đồng thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách của Nhà nước để người dân cùng tham gia giám sát việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới, kinh tế - xã hội của tỉnh sẽ ngày càng phát triển. Hệ thống cơ sở hạ tầng tiếp tục được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối các vùng. Cùng với đó, nhu cầu xây dựng của người dân ngày càng tăng lên. Do vậy, cần nguồn VLXD từ khai thác khoáng sản lớn. Chỉ tính riêng phục vụ san lấp ước tính lên đến cả trăm triệu m3 đất đá; đá xây dựng các công trình dân dụng, dân sinh... cũng sẽ tăng lên đáng kể so với hiện nay. Để công tác quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản phát huy hiệu quả, các cấp, ngành chức năng cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là Luật Địa chất và Khoáng sản số 54/2024/QH15; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 10/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Kế hoạch số 889/KH-UBND ngày 10/5/2023 của UBND tỉnh Hà Nam về triển khai thực hiện Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 14/4/2023 của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Ông Đỗ Văn Trường, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Liêm cho biết: Các văn bản, quy định của Nhà nước các cấp về công tác quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản luôn được huyện quan tâm, triển khai. Phòng tham mưu cho UBND huyện thực hiện tốt theo đúng thẩm quyền, bảo đảm các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, hạn chế tối đa các vi phạm trong quá trình khai thác.

Được biết, huyện Thanh Liêm và thị xã Kim Bảng đã tiến hành kiện toàn tổ giám sát hoạt động bảo vệ môi trường khu vực phía Tây sông Đáy. Đồng thời, thành lập tổ giám sát hoạt động vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các tổ giám sát về bảo vệ môi trường, giám sát về hoạt động vật liệu nổ công nghiệp tổ chức kiểm tra theo hình thức đột xuất, phát hiện xử lý nghiêm đối với các vi phạm về bảo vệ môi trường và vi phạm trong hoạt động khoáng sản.

Hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản của tỉnh giai đoạn mới đòi hỏi vừa phải góp phần phát triển kinh tế, vừa phải làm tốt công tác bảo vệ bền vững môi trường nói chung và môi trường sinh thái nói riêng. Do vậy, để sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên khoáng sản, đòi hỏi công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này cần phải được tăng cường và làm thường xuyên; trong đó rất cần thực hiện tốt công tác quản lý đối với các doanh nghiệp không nằm trong diện cấp phép tiếp sau khi hết hạn (đến hết năm 2025 có 12 doanh nghiệp) và giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp sau khi khai thác tiến hành phục hồi môi trường, trồng cây xanh tại những khu vực đã được khai thác...

Manh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.