Sôi động thị trường bán lẻ

Điểm nổi bật ở thị trường bán lẻ Hà Nam những năm gần đây là sự hình thành, phát triển của hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và các cửa hàng tiện ích.

Với phong cách phục vụ hiện đại, hàng hóa đa dạng, phong phú, các siêu thị và cửa hàng tiện ích quy mô lớn đang được nhiều "thượng đế" lựa chọn để tham quan, mua sắm. Qua khảo sát một số siêu thị như: siêu thị Minh Khôi, Mường Thanh (thành phố Phủ Lý); siêu thị Lan Chi (ở Lý Nhân, Duy Tiên),… dễ dàng nhận thấy, không khí mua sắm tại đây khá sôi động, nhất là vào những ngày cuối tuần hay dịp lễ, Tết.

Để "hút" khách, kích cầu tiêu dùng, các siêu thị đã tung ra nhiều chương trình khuyến mại, với nhiều phần quà đi kèm sản phẩm và giá ưu đãi. Theo ông Tạ Quang Hậu, Phó trưởng phòng Quản lý Thương mại (Sở Công thương), trước đây, người dân đến trung tâm thương mại chỉ để mua sắm. Những năm qua, với việc tạo ra một trung tâm thương mại hay siêu thị có sự kết hợp của công nghệ, khu vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống… đã khiến thị trường bán lẻ trở nên hấp dẫn hơn, "kéo" lượng lớn người tiêu dùng đến mua sắm trong những ngày nghỉ. Trên địa bàn tỉnh hiện có 11 siêu thị, trung tâm thương mại đã được phê duyệt nội quy.

Để phát triển thương hiệu, tăng doanh thu, thời gian gần đây, các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ của FPT Shop, Thế giới di dộng, Viettel store… đã tích cực mở rộng kênh phân phối về địa bàn nông thôn.

Ngoài các siêu thị tổng hợp, thị trường bán lẻ chuyên biệt cũng phát triển ngày càng rộng khắp. Đến thời điểm này, một số thương hiệu nổi bật của ngành bán lẻ trong nước đã có mặt trên địa bàn tỉnh như: Điện máy Xanh, Điện máy Trần Anh, FPT shop, Viettel Store…

Để phát triển thương hiệu, tăng năng lực cạnh tranh và doanh thu, thời gian gần đây, các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ của FPT shop, Viettel store… đã tích cực mở rộng kênh phân phối về địa bàn các huyện trong tỉnh với nguồn hàng hóa dồi dào, chất lượng, đồng thời thực hiện các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm cho người dân khu vực nông thôn.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có hàng trăm cửa hàng tiện ích tổng hợp và chuyên doanh các mặt hàng từ nông sản, thực phẩm cho đến đồ gia dụng, mỹ phẩm… đang góp phần kích cầu tiêu dùng và thay đổi thói quen mua sắm của người dân tại các địa phương. Cùng với các doanh nghiệp lớn, công tác phát triển và quản lý chợ cũng được các địa phương chú trọng, đầu tư xây dựng, nâng cấp, giúp người dân yên tâm kinh doanh, buôn bán, tăng thu nhập.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 110 chợ, gồm: 1 chợ đầu mối, 1 chợ loại 1, 3 chợ loại 2, còn lại là chợ loại 3. Qua đó, góp phần quan trọng nâng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2018 đến nay đạt trên 14.000 tỷ đồng (tăng 15% so cùng kỳ năm 2017), chiếm xấp xỉ 45% tổng doanh thu từ hoạt động thương nghiệp, kinh doanh dịch vụ, thương mại.              

Để đạt được kết quả trên, những năm qua, Hà Nam đã có nhiều biện pháp để kích thích thị trường bán lẻ sôi động hơn như: tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị; tranh thủ mọi nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, nhất là hệ thống chợ nhằm tạo điều kiện phát triển mạng lưới lưu thông phân phối và bán lẻ hàng hóa; tổ chức các hội chợ thương mại, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, giúp tạo cầu nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng; khuyến khích các hộ cá thể, doanh nghiệp chú trọng phát triển các ngành dịch vụ theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm tốt nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ cho người tiêu dùng…

Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng đã tích cực phối hợp với Sở NN&PTNT kết nối với doanh nghiệp để giới thiệu, quảng bá, bao tiêu sản phẩm cho nông dân; liên kết với sở công thương các tỉnh để cung cấp, trao đổi thông tin về đặc điểm vùng miền, nguồn nguyên liệu, nông sản sạch, đưa sản phẩm rau, củ sạch, gạo của nông dân Hà Nam có mặt tại các trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trên cả nước.

Sở Công thương cũng đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương) xây dựng hàng chục website cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh như: hỗ trợ miễn phí thiết kế, chuyển giao kỹ thuật, thiết kế hình ảnh thương hiệu, hướng dẫn cách kết nối với các địa phương khác… Qua đó tạo môi trường kinh doanh an toàn, thúc đẩy cung - cầu, giúp doanh nghiệp, các nhà bán lẻ mạnh dạn đầu tư, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Dù còn nhiều khó khăn, song, theo nhận định của Sở Công thương, từ nay đến cuối năm 2018, thị trường bán lẻ trong tỉnh vẫn tiếp tục được duy trì ổn định và phát triển khá do cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng trưởng khá trong thời gian qua đã phản ánh sức mua lớn của người dân và sự khởi sắc của nền kinh tế. Qua đó cho thấy, ngành bán lẻ ở tỉnh ta đang có những tín hiệu khả quan, là cơ hội để thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ hoạt động kinh doanh.

Nguyễn Oanh

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy