Vì sao nông dân “bỏ ruộng” ?

Nông dân bỏ ruộng để chuyển đổi ngành nghề mới, tăng thu nhập cho gia đình đang là xu hướng diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương hiện nay. Chỉ tính riêng vụ xuân năm 2017, toàn tỉnh có khoảng trên 100ha ruộng bị nông dân bỏ gieo cấy.

Cách đây 3 năm, khi về tham quan một số xã đang triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, chúng tôi đã được nghe lãnh đạo địa phương đề cập đến chuyện nông dân không thiết tha với đồng ruộng. Thí dụ như ở xã Trung Lương, huyện Bình Lục, thời điểm đó Cụm công nghiệp đóng trên địa bàn đi vào hoạt động, thu hút vài nghìn lao động với mức lương trung bình từ 3,5-5 triệu đồng/người/tháng.

Không phải đi làm xa, lao động nông nghiệp khi đó đã vào các doanh nghiệp làm công nhân. Nhà có hai người làm công nhân mỗi tháng thu nhập gần chục triệu đồng, có thể nhiều hơn thu hoạch cả vụ lúa… Vì thế, người dân rút chân khỏi đồng ruộng, đi làm công nhân ngày một nhiều hơn.

Một lãnh đạo xã phân tích: Một sào lúa mỗi vụ người nông dân chẳng lãi lời bao nhiêu, chi phí vật tư, công chăm bón, thu hoạch đã chiếm gần hết. Khi chưa có nhà máy, xí nghiệp, người ta đành lòng gắn bó với đồng ruộng, lấy công làm lãi. Nhưng để thực hiện mơ ước cho con học đại học hay học hành đến nơi đến chốn chỉ dựa vào đồng ruộng thôi thì khó khăn lắm! Nhu cầu của cuộc sống ngày càng cao, trong khi thu nhập từ nông nghiệp vẫn chẳng thay đổi. Họ phải lựa chọn công việc của mình…

Việc đưa cơ giới vào sản xuất góp phần giảm chi phí cho nông dân, giúp người dân làm ruộng nhàn hơn, cần ít nhân lực hơn.

Đấy là một trong những lý do người nông dân không tha thiết với đồng ruộng nữa. Trò chuyện với ông Nguyễn Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Lê Hồ (Kim Bảng) chúng tôi được biết, ở đây người nông dân bỏ ruộng còn vì những lý do khác. Thứ nhất, con em nông dân được đầu tư học hành đến nơi đến chốn nhưng khi ra trường các cháu không xin được việc làm đúng với ngành nghề đã học, phải đi làm công nhân. Cha mẹ cả đời làm lụng vất vả cuối cùng con em không được thoát ly như ý nguyện. Thứ hai, làm ruộng ở đây vất vả hơn các khu vực xung quanh do khó khăn về thủy lợi. Giá vật tư nông nghiệp tăng cao, ảnh hưởng tới đầu vào sản xuất nên thu nhập thấp. Thứ ba, ở nông thôn, người dân phải đóng góp nhiều khoản thu nên cần có thu nhập để trang trải. Chỉ có làm công nhân là phù hợp để người nông dân cải thiện đời sống cho mình…

Ông Trường cho biết: Hiện nay cả xã Lê Hồ có khoảng 800 lao động đi làm công nhân ở các Khu công nghiệp Đồng Văn I, Đồng Văn II... Diện tích ruộng bị bỏ cấy lên tới 30 mẫu.

Không đi làm công nhân ở nhà máy, xí nghiệp, trong các khu công nghiệp, người nông dân cũng có thể làm những công việc khác không liên quan đến cấy hái, mùa màng như xây dựng, làm thuê ở những làng nghề truyền thống. Phụ nữ ở các vùng quê quá tuổi làm công nhân thì lên các thành phố lớn làm giúp việc gia đình hay buôn bán… Vì thế, về các vùng quê  hôm nay chỉ thấy người già và trẻ em.

Ông Đỗ Văn Điển, Chủ tịch UBND xã Bồ Đề (Bình Lục) cho biết: Đến thời điểm này, cả xã cũng có khoảng 30 mẫu đất nông dân bỏ không gieo cấy. Điều đáng nói, những hộ bỏ ruộng không cấy hái cũng không cho ai mượn để canh tác, họ giữ để không vì cho rằng, nếu cho mượn hoặc cho thuê sẽ không đòi lại được! Càng những nơi phát triển công nghiệp, nông dân quanh khu vực ấy càng có xu hướng bỏ ruộng nhiều hơn.

Đánh giá thực trạng sản xuất nông nghiệp, cũng như việc sử dụng, khai thác đất nông nghiệp hiện nay được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Tỉnh có cơ chế, chính sách tích cực, hiệu quả trong thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Cùng với đó, việc áp dụng cơ chế, chính sách của Nhà nước trong chuyển đổi đất lúa cốt cao sang trồng cây ăn quả tạo điều kiện cho nông dân đổi mới cơ cấu cây trồng, tăng giá trị thu nhập trên cùng diện tích được các địa phương quan tâm, xây dựng kế hoạch cụ thể…

Tuy nhiên, hầu hết các xã vẫn gặp khó khăn trong thực hiện các giải pháp này. Ông Nguyễn Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Lê Hồ cho biết: Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đối với xã hiện gặp khó khăn do hệ thống thủy lợi không đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Thực tế, một vài doanh nghiệp đã đến khảo sát và đánh giá khả năng đầu tư, phát triển, nhưng họ cho rằng, để có nguồn nước bảo đảm phát triển sản xuất đúng tiêu chuẩn, việc đầu tư đối với doanh nghiệp phải thực hiện quá lớn…

Một số địa phương đã làm tốt việc quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo mô hình HTX kiểu mới như An Ninh, La Sơn… HTX đứng ra quản lý, kinh doanh toàn bộ dịch vụ nông nghiệp, tổ chức nhiều khâu dịch vụ phục vụ xã viên trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; liên kết với các đơn vị tổ chức học tập các mô hình ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất; tổ chức các lớp tập huấn ứng dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vay vốn phát triển sản xuất...

Theo cách này, người nông dân không lo toan nhiều chuyện nông vụ như trước nữa. Nhưng làm sao để phổ biến mô hình này, nhân rộng nó? Công tác tuyên truyền cho nhân dân, đặc biệt là nông dân hiểu về cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với nông nghiệp hiện nay thực sự cần thiết. 

Phát triển nông nghiệp bền vững vẫn sẽ mang lại đời sống tốt cho người nông dân, bảo đảm gìn giữ truyền thống văn hóa gia đình nông thôn thuần phác, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Giang Nam

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy