Kim Bảng phát triển nông nghiệp sinh thái

Huyện Kim Bảng có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, dịch vụ gắn với xây dựng nền nông nghiệp sinh thái. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để khai thác tốt tiềm năng này, tạo điểm nhấn cho nông nghiệp phát triển sau khi Kim Bảng trở thành huyện nông thôn mới (NTM).

Khi về khảo sát thực tế kết quả xây dựng huyện NTM ở Kim Bảng, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương nhận định: Kim Bảng có lợi thế riêng về phát triển du lịch, nông nghiệp. Huyện đã có những mô hình tích tụ ruộng đất sản xuất nông nghiệp hiệu quả, như: Mô hình nuôi thỏ, nuôi dê, những khu vườn trồng na ở Ba Sao … Đây chính là cơ sở gợi mở phát triển nông nghiệp của huyện theo hướng phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp trong thời gian tới.

Người dân thị trấn Ba Sao (Kim Bảng) thu hoạch vụ na năm 2017. Ảnh: Thế Trang

Thực tế, du lịch sinh thái nông nghiệp đã và đang phát triển mạnh ở nhiều tỉnh, thành trong nước, đem lại hiệu quả cả về mặt kinh tế và xã hội. Ở Hà Nam, du lịch sinh thái nông nghiệp là lĩnh vực còn mới mẻ. Mặc dù vậy, sự tham gia trực tiếp của nông dân trong hoạt động du lịch nông nghiệp đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn về phát triển du lịch cộng đồng. Đồng thời, mang lại nguồn thu nhập cao hơn cho nông dân hơn là sản xuất nông nghiệp thuần túy.

Trang trại Mục Đồng chăn nuôi bò sữa của gia đình anh Trần Ngọc Tú, xã Trác Văn (Duy Tiên) đang phát triển theo hướng này. Vào những ngày nghỉ cuối tuần, trang trại Mục Đồng đón nhiều lượt khách về tham quan, trải nghiệm thực tế một số công đoạn về quy trình sản xuất sữa bò. Tại đây, du khách có thể vừa thăm trang trại bò sữa và tự nấu ăn từ nguồn cung thực phẩm ở Mục Đồng.

Cũng nhờ mô hình trải nghiệm này, sản phẩm sữa bò hữu cơ Mục Đồng nhanh chóng lấy được niềm tin của khách hàng bởi những điều mắt thấy, tai nghe mà khách hàng được trải nghiệm.

Trang trại nuôi thỏ của ông Dương Văn Phụng ở thị trấn Ba Sao (Kim Bảng) nằm sát chân núi, bao quanh bởi núi và những vườn na xanh mướt. Ông Dương Văn Phụng cho biết: Trang trại đang trong quá trình xây dựng, phát triển mở rộng quy mô tổng đàn, có liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Mục tiêu mà ông Phụng hướng tới đó là xây dựng một trang trại chăn nuôi thân thiện với môi trường để phát triển bền vững, phù hợp với yêu cầu phát triển du lịch trong vùng, nâng cao giá trị sản xuất.

Phát triển nông nghiệp sinh thái là một hướng đi mới. Đối với Kim Bảng, dù có những điều kiện thuận nhưng để khai thác được tiềm năng này rõ ràng chỉ có điều kiện thuận thôi thì chưa đủ.

Theo bà Phạm Thị Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bảng, trong những năm gần đây, Kim Bảng đã hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực (bò sữa, bò thịt, lúa, thủy sản). Huyện tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và đẩy mạnh ứng dụng cơ giới  trong nông nghiệp.

Ngoài mô hình cánh đồng mẫu, các xã trên địa bàn huyện tích tụ được 155 ha sản xuất lúa, rau, củ, quả ở các xã Thi Sơn, Đồng Hóa, Tân Sơn, Văn Xá, Tượng Lĩnh... Kim Bảng có 2 khu nuôi trồng thủy sản tập trung, nhiều mô hình nuôi con đặc sản và các gia trại, trang trại chăn nuôi gia cầm. Nhờ chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên sản xuất nông nghiệp ở Kim Bảng đã có nhiều khởi sắc.

Để phát triển du lịch sinh thái trong nông nghiệp, trước hết Kim Bảng cần có quy hoạch, định hướng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, làng nghề để tạo nên các sản phẩm khác biệt, đặc trưng. Đồng thời, cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy người dân tham gia làm du lịch cộng đồng.

Sự liên kết liên ngành nông nghiệp và du lịch trong việc xây dựng chương trình phát triển du lịch chung là hết sức cần thiết; phát triển du lịch gắn với mục tiêu xây dựng NTM kiểu mẫu được cho là giải pháp hiệu quả nhằm xây dựng cảnh quan môi trường, giữ gìn bản sắc, nét văn hóa riêng biệt ở địa phương. 

Bích Huệ

Bích Huệ, Thế Trang

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.