Đẩy mạnh chuyển đổi số tại các hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp

Các hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong tổ chức, triển khai sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Với yêu cầu của quá trình phát triển mới, các HTX phải từng bước thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất. Phóng viên (P.V) Báo Hà Nam đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Xuân Trường, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh xung quanh vấn đề trên.

Đẩy mạnh chuyển đổi số tại các hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp
Ứng dụng công nghệ vào khâu phun thuốc bảo vệ thực vật là hướng đi mới của các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp.

P.V: Xin ông cho biết, sự cần thiết của việc chuyển đổi số đối với các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay?

Ông Đỗ Xuân Trường: Trước hết, cần khẳng định: Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu giúp tiếp cận nhanh nhất đến thị trường, sản phẩm của các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng và cả khu vực kinh tế tập thể nói chung. Việc chuyển đổi số của các HTX được áp dụng nhiều trong công tác quản lý, điều hành vật tư, máy móc công nghệ, khai thác tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất tại địa phương. Thông qua chuyển đổi số, các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp có điều kiện tiếp cận, nghiên cứu, dự báo thị trường để xây dựng phương án sản xuất phù hợp, hiệu quả, tạo ra sản phẩm chất lượng có giá trị kinh tế cao. Mặt khác, chuyển đổi số tại các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ giúp khắc phục tư duy quản lý, điều hành và sản xuất kiểu cũ của cả đội ngũ cán bộ và xã viên. Từ đó, sản xuất theo hướng kinh tế nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm mà thị trường cần về cả chất lượng, mẫu mã cũng như giá thành cạnh tranh….; góp phần quan trọng trong giải quyết tình trạng “được mùa, mất giá” vốn luôn là hạn chế lớn trong sản xuất nông nghiệp những năm qua.

Từ ưu điểm, lợi thế được chỉ ra, chuyển đổi số đang là mục tiêu, nhiệm vụ mà các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh cần hướng đến trong quá trình hoạt động. Thực hiện tốt việc chuyển đổi số sẽ nâng cao vai trò, năng lực hoạt động của HTX thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn phát triển cả về giá trị và lợi nhuận.

P.V: Ông đánh giá thế nào về việc chuyển đổi số của các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh?

Ông Đỗ Xuân Trường: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có tổng số gần 250 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và được phân thành 2 nhóm: HTX dịch vụ nông nghiệp và  HTX kiểu mới chuyên ngành ít thành viên. Chuyển đổi số ở các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh hiện nay chủ yếu phát triển tại nhóm HTX kiểu mới ít thành viên. Những HTX này sản xuất theo hướng tập trung, sản phẩm làm ra bảo đảm ổn định về chất lượng. Tham gia hoạt động điều hành ở các HTX ít thành viên cơ bản là người trẻ, năng động có nguồn lực tri thức và mạnh dạn đổi mới, tiếp cận khoa học – kỹ thuật, công nghệ… Thực tế, các HTX này đều sử dụng tem truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm; bao bì, mẫu mã sản phẩm theo hướng chuyên nghiệp. Nhiều loại sản phẩm được đưa lên chào bán tại những sàn giao dịch điện tử, tiếp cận nhanh với thị trường, khách hàng… Một số HTX kiểu mới, ít thành viên thực hiện khá hiệu quả chuyển đổi số, như: HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đồng Du (Bình Lục), HTX dược thảo Minh Đức (Lý Nhân), HTX rau hữu cơ Phù Vân (thành phố Phủ Lý), HTX Nông sản an toàn Liên Hiệp và HTX thủy sản sông trong ao Hải Đăng (Kim Bảng)…

Với các HTX dịch vụ nông nghiệp được chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 phần lớn hiện nay đang hoạt động các dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất. Một số HTX làm thêm các dịch vụ thỏa thuận như: cung ứng giống, vật tư phân bón, tiêu thụ sản phẩm, cơ giới hóa (mạ khay cấy máy, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay điều khiển từ xa…). Tuy nhiên, việc chuyển đổi số tại các HTX dịch vụ nông nghiệp còn chậm do có một số khó khăn, hạn chế: đội ngũ cán bộ cao tuổi chiếm phần đông; chưa qua đào tạo về công nghệ, chuyển đổi số, lợi nhuận thấp ảnh hưởng đến nguồn lực đầu tư chuyên đổi số…

Như vậy, việc chuyển đổi số ở những HTX trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh vẫn còn khá nhiều khó khăn, hạn chế, cần phải được quan tâm đẩy mạnh hơn nữa.

P.V: Để việc chuyển đổi số tại các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh được đẩy nhanh, có hiệu quả, đâu là những giải pháp quan trọng cần triển khai thực hiện, thưa ông?

Ông Đỗ Xuân Trường: Chuyển đổi số tại các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp cần được áp dụng để đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn mới. Do vậy, các giải pháp đồng bộ cũng cần được triển khai sớm và có hiệu quả.

Theo đó, cần nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền các địa phương về lợi ích chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số tại các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng. Từ đó, có sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ đúng, trúng, kịp thời để các HTX thực hiện những bước đi phù hợp trong chuyển đổi số. Để hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số ở các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, Nhà nước cần xem xét có sự đầu tư hỗ trợ kinh phí cho chuyển đổi số đối với các HTX dịch vụ nông nghiệp; quan tâm xây dựng mô hình chuyển đổi số tại HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, có sự đánh giá, so sánh về hiệu quả làm hạt nhân giúp nhân rộng.

Với vai trò của mình, Liên minh HTX tỉnh tập trung thực hiện giải pháp tăng cường tập huấn nâng cao nghiệp vụ chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ HTX. Hiện nay, Liên minh HTX tỉnh đang phối hợp với Đại học Nông nghiệp Việt Nam xây dựng hệ thống dữ liệu quản lý số kinh tế tập thể, trong đó có HTX trong lĩnh vực nông nghiệp… Đây là nền tảng quan trọng để đẩy mạnh chuyển đổi số trong các HTX thời gian tới.

P.V: Trân trọng cảm ơn ông!

Mạnh Hùng (Thực hiện)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy