Chủ động phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện đang hoành hành tại Trung Quốc, với hàng chục nghìn con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy. Đây là loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn lợn, có nguy cơ lây lan vào nước ta. Để hiểu rõ hơn về bệnh dịch tả lợn châu Phi và biện pháp phòng chống, phóng viên (P.V) Báo Hà Nam đã trao đổi với ông Đỗ Mạnh Hà, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi - Thú y (Sở NN & PTNT).

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi - Thú y kiểm tra lượng vắc - xin dự trữ trong kho tiêm phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi của tỉnh.

P.V: Xin ông cho biết mức độ nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi?

Ông Đỗ Mạnh Hà: Bệnh dịch tả lợn châu Phi lần đầu tiên xuất hiện tại Kenya từ năm 1921. Năm 1957, xuất hiện ở châu Âu và đã xuất hiện ở nhiều nước. Từ cuối năm 2017 đến nay, đã có 12 quốc gia có bệnh dịch tả lợn châu Phi, gần nhất với nước ta là Trung Quốc. Khi đàn lợn bị mắc bệnh tỷ lệ chết có thể lên đến 100%.

Theo đánh giá, đây là loại bệnh dịch do virus gây ra nên có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm hơn cả dịch bệnh tai xanh và lở mồm long móng. Nguyên nhân là do hiện nay trên thế giới chưa có phác đồ điều trị hiệu quả. Đặc biệt, chưa có vắc - xin để tiêm phòng bệnh. Với những con lợn bị mắc bệnh, nếu được chữa khỏi về triệu chứng nhưng vẫn tồn lưu mầm bệnh trong cơ thể. Một yếu tố nữa, khả năng đề kháng của loại virus bệnh dịch tả lợn châu Phi với môi trường rất tốt trong thời gian dài. Vì thế, nếu dịch bệnh này lây lan vào nước ta sẽ rất khó kiểm soát và phòng chống.

P.V: Ông đánh giá thế nào về nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi có thể lây lan vào tỉnh nếu xuất hiện ở nước ta?

Ông Đỗ Mạnh Hà: Đàn lợn của tỉnh ta hiện vẫn đang được duy trì khoảng trên 450 nghìn con và đang có chiều hướng tăng thêm do giá lợn hơi xuất chuồng đang ở mức cao. Về tình hình dịch bệnh thông thường và một số bệnh nguy hiểm (tai xanh, lở mồm long móng) trên địa bàn tỉnh thời gian qua không xuất hiện trên đàn lợn.

Tuy nhiên, với bệnh dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ lây nhiễm rất cao vào địa bàn tỉnh nếu nước ta xuất hiện bệnh này. Do tỉnh ta có cả đường bộ, đường thủy và đường sắt phát triển, nhất là có tuyến quốc lộ 1A chạy qua, lượng lợn vận chuyển qua địa bàn tỉnh rất lớn. Vì thế, nếu có lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi vận chuyển qua sẽ phát tán ngay nguồn virus nguy hiểm này ra môi trường và lây lan. Cùng với đó, chợ đầu mối gia súc, gia cầm tại xã Bối Cầu là nơi giao thương buôn bán đi nhiều tỉnh thành, trong đó có cả các tỉnh phía Bắc giáp Trung Quốc (nơi có bệnh dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành) sẽ rất dễ đưa virus bệnh về lây truyền ra đàn lợn của tỉnh.

P.V: Trước nguy cơ xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi, Chi cục Chăn nuôi - Thú y đã có những biện pháp gì trong công tác phòng chống, thưa ông?

Ông Đỗ Mạnh Hà: Công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi nói chung và đàn lợn nói riêng luôn được tỉnh ta đặc biệt quan tâm. Đối với bệnh dịch tả lợn thông thường, chi cục đã tham mưu với Sở NN & PTNT, UBND tỉnh hỗ trợ nguồn vắc - xin tiêm phòng cho toàn bộ đàn lợn trong diện tiêm (kể cả tiêm chính vụ và tiêm bổ sung hằng tháng).

Đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi do tính chất nguy hiểm nên khi có sự chỉ đạo của Bộ NN & PTNT, UBND tỉnh, chi cục đã phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân và chủ động phòng chống ngay tại hộ. Chi cục khuyến cáo đến các hộ chăn nuôi, lợn giống khi tái đàn phải được mua rõ nguồn gốc, sạch bệnh. Các hộ nuôi thường xuyên vệ sinh khử trùng, tiêu độc môi trường và hệ thống chuồng trại trong quá trình chăn nuôi.

Công tác giám sát dịch bệnh được tăng cường tại cơ sở, khi phát hiện lợn có những triệu chứng bệnh giống với bệnh dịch tả lợn châu Phi triển khai ngay các biện pháp dập dịch. Thời gian này, chi cục kiểm soát chặt chẽ việc mua bán động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn. Mục tiêu cao nhất là chủ động ngăn ngừa, không để phát sinh dịch bệnh dẫn đến khó kiểm soát và ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi của tỉnh.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Mạnh Hùng (Thực hiện)

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy