Thúc đẩy các làng nghề truyền thống phát triển

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 35 làng nghề truyền thống được công nhận, trong đó có 3 làng nghề truyền thống bị mai một, còn lại 32 làng nghề đang hoạt động. Trong số các làng nghề trên có 11 làng nghề đang hoạt động hiệu quả, 10 làng nghề hoạt động trung bình, 11 làng nghề hoạt động kém hiệu quả.

Những năm qua, tỉnh có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề truyền thống, nhằm duy trì và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các làng nghề truyền thống vẫn gặp không ít khó khăn do một bộ phận người dân ở làng nghề vì lợi nhuận trước mắt chưa quan tâm nhiều đến chất lượng sản phẩm; một số làng nghề truyền thống đang mai một dần; mức thu nhập từ làm nghề truyền thống thấp nên không thu hút được lao động mở rộng, phát triển nghề… ảnh hưởng đến hiệu quả và sự phát triển của làng nghề.

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 35 làng nghề truyền thống được công nhận, trong đó có 3 làng nghề truyền thống bị mai một, còn lại 32 làng nghề đang hoạt động. Trong số các làng nghề trên có 11 làng nghề đang hoạt động hiệu quả, 10 làng nghề hoạt động trung bình, 11 làng nghề hoạt động kém hiệu quả. Các làng nghề truyền thống đang giải quyết việc làm cho 11.923 lao động, trong đó hơn 11 nghìn lao động có việc làm thường xuyên, còn lại lao động có việc làm theo thời vụ.

Nghề lụa Nha Xá, xã Mộc Nam (Duy Tiên). Ảnh: Thế Tuân

Qua đánh giá của các ngành chức năng cho thấy, làng nghề truyền thống phát triển tương đối đa dạng và phong phú, nhóm ngành nghề chế biến gỗ, chế biến lương thực, thực phẩm đang hoạt động có hiệu quả cao, giải quyết việc làm cho lao động với mức thu nhập từ 4 - 8 triệu đồng/người/tháng. Riêng nhóm ngành nghề dệt, nhuộm trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, do ô nhiễm môi trường chưa được xử lý triệt để dẫn tới quá trình phát triển làng nghề chậm. Các nhóm ngành nghề cơ khí, hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất tre nứa hoạt động kém hiệu quả, đang có xu hướng thu hẹp dần. Một số ngành nghề truyền thống phát triển tốt và đang mở rộng được thị trường tiêu thụ sản phẩm như: bánh đa nem làng Chều, rượu Vọc, cá kho Nhân Hậu… đã có mặt trên thị trường toàn quốc, song trong quá trình phát triển, các làng nghề này cũng chịu sự tác động mạnh của thị trường. Một bộ phận người dân trong các làng nghề vì lợi nhuận trước mắt nên chưa quan tâm đến chất lượng sản phẩm, tổ chức sản xuất không đúng quy trình, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, làm ảnh hưởng đến giá trị truyền thống của làng nghề.

Ông Nguyễn Thái Nam, Chủ tịch UBND xã Vũ Bản (Bình Lục) cho biết: Trước tình trạng rượu giả, rượu không bảo đảm chất lượng tràn lan trên thị trường, nhưng nhiều năm qua, rượu làng Vọc, xã Vũ Bản vẫn duy trì và phát triển tốt. Nhiều hộ dân đã phát huy được thế mạnh làm nghề truyền thống, sản xuất rượu cung cấp cho thị trường ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuy nhiên, điểm yếu của nghề nấu rượu là nhiều hộ gia đình vẫn có thói quen sử dụng đồ thủ công, dụng cụ nấu chưa bảo đảm vệ sinh. Sản phẩm rượu ở làng Vọc sản xuất ra còn tiêu thụ lẫn lộn với các loại rượu trôi nổi trên thị trường, làm mất giá trị của sản phẩm rượu Vọc. Xã Vũ Bản phấn đấu trong năm 2018 tuyên truyền, vận động 100% cơ sở sản xuất rượu sử dụng công cụ sản xuất bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; vận động các hộ kinh doanh lớn, chuyên thu gom rượu của làng hoàn thành đầu tư máy lọc rượu và đăng ký chất lượng sản phẩm, nhãn hiệu hàng hóa… bảo đảm giữ được giá trị, thương hiệu của sản phẩm rượu Vọc.

Sản phẩm thuyền gỗ mỹ  nghệ của gia đình ông Nguyễn Văn Phú, thôn Đô Hai, xã An Lão (Bình Lục). Ảnh: Khương Doanh

Cũng như làng nghề rượu Vọc, trong thời gian qua, các cấp chính quyền đã hỗ trợ nhiều làng nghề phát triển. Cụ thể, trong giai đoạn 2011 - 2017, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ cho hoạt động khuyến công hơn 16 tỷ đồng và hỗ trợ cho làng nghề, cơ sở làng nghề tiểu thủ công nghiệp thông qua 6 đề án với tổng số tiền hơn 1 tỷ 690 triệu đồng. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Hà Nam đến năm 2020'' và đã hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 11.631 lao động nông thôn. Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai 2 dự án: Xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể bánh đa nem làng Chều, xã Nguyên Lý (Lý Nhân) và trống Đọi Tam, xã Đọi Tam (Duy Tiên). Đồng thời, Sở cũng đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ: Rượu Vọc, gốm Quyết Thành, thêu ren Thanh Hà, lụa Nha Xá, cá kho Nhân Hậu, gà móng Tiên Phong. Cùng với đó, UBND tỉnh tôn vinh hơn 150 nghệ nhân thợ giỏi ở các làng nghề, nhằm biểu dương những người có bề dày kinh nghiệm, có tâm, trí, có khả năng sáng tạo, góp phần quan trọng thúc đẩy các làng nghề phát triển.

Tuy nhiên, trong những năm qua, quá trình phát triển của các làng nghề truyền thống ở tỉnh ta cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề đang ngày càng gia tăng nhưng chưa được xử lý theo đúng quy định, làm ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ dân. Phần lớn sản phẩm ở các làng nghề truyền thống chưa có thương hiệu, trong khi đó công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại chưa được quan tâm đúng mức. Để phát triển các làng nghề truyền thống, UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển làng nghề gắn với việc bảo vệ môi trường; bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ các cơ sở sản xuất ở các làng nghề tiếp cận với công nghệ tiên tiến, xúc tiến đầu tư, bao tiêu sản phẩm, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu lao động cho các làng nghề.

Trần Hữu

Trần Thoan, Khương Doanh, Thế Tuân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.