Hiệu quả thu hút doanh nghiệp chế biến nông sản

Thời gian qua, tỉnh Hà Nam khuyến khích thu hút các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp chế biến bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho bà con nông dân đầu tư vào tỉnh. Nhiều doanh nghiệp sau khi xây dựng cơ sở sản xuất ổn định đã thực sự là "bà đỡ" của nhiều hộ nông dân, giúp bà con mở rộng sản xuất, nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

Mô hình tích tụ ruộng đất tại thôn Văn Phú và thôn Thượng Thọ, xã Mỹ Thọ (Bình Lục) có diện tích 25 ha. Đây là mô hình do 4 hộ dân tự thuê lại đất của bà con nông dân trong xã, đất do UBND xã quản lý để tổ chức sản xuất tập trung với quy trình: vụ xuân cấy lúa Bắc thơm, sau khi thu hoạch lúa bơm nước vào thả cá, nuôi vịt. Kết quả, trung bình năng suất lúa vụ xuân đạt 52 - 54 tạ/ha; vụ mùa chuyển sang chăn nuôi, thu từ 600 - 800 triệu đồng tiền cá, gia cầm/ha.

Dây chuyền chế biến lương thực của Công ty TNHH Thủy Long.

Ông Nguyễn Trung Tuấn, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thọ cho biết: Diện tích tích tụ ruộng đất tại thôn Văn Phú và thôn Thượng Thọ đều là diện tích ruộng trũng, ruộng xấu nằm ở 4 xứ đồng xa, chỉ cấy được một vụ. Hiệu quả sản xuất thấp, nhiều hộ có tư tưởng không muốn sản xuất, cho thuê lại.

Thấy vậy, xã đã quy hoạch vùng, tích tụ diện tích lớn, vận động một số hộ thuê lại để tổ chức sản xuất với quy mô tập trung, song phải cam kết giữ nguyên hiện trạng, không phá vỡ mặt bằng. Kết quả, các hộ sản xuất theo mô hình cấy lúa thả cá đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Điều đáng nói, khi các hộ tổ chức sản xuất với quy mô lớn, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp thì các doanh nghiệp trên địa bàn lại thu mua ngay theo hình thức thu hoạch đến đâu thu mua thóc đến đó. Nhiều hộ nông dân không có sân phơi thóc, bán thóc tươi cho doanh nghiệp ngay tại chân ruộng sau khi thu hoạch với số lượng lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình tích tụ ruộng đất ở Mỹ Thọ chỉ là 1 trong số hàng chục mô hình tích tụ ruộng đất ở Bình Lục đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc phát triển nông nghiệp sạch làm vệ tinh liên kết với các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Huyện ủy Bình Lục đã ban hành Nghị quyết 09 - NQ/HU về đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, thực hiện tích tụ ruộng đất tạo bước đột phá về phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Kết quả, từ năm 2016 đến nay, huyện Bình Lục đã xây dựng được 12 mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp với diện tích 157 ha, chuyên sản xuất lúa, trồng dưa lê, ớt xuất khẩu. Các mô hình sản xuất tạo ra sản phẩm với số lượng lớn cung ứng ngay cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Nhiều doanh nghiệp đã thực sự trở thành "bà đỡ" cho nông dân trong vùng. Điển hình như Công ty TNHH Thủy Long đầu tư vào Cụm công nghiệp Trung Lương với diện tích 3,2 ha chuyên chế biến thóc gạo cho khu vực tỉnh Hà Nam và nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Ông Trịnh Công Dương, Giám đốc Công ty TNHH Thủy Long cho biết: Sau khi khảo sát nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực, tôi quyết định đầu tư vào Bình Lục bởi ở đây có nhiều nguồn sản phẩm đầu vào cho doanh nghiệp. Hiện tại trên địa bàn tỉnh Hà Nam và một số tỉnh lân cận có hàng chục đại lý chuyên thu mua lúa gạo của bà con cung cấp cho doanh nghiệp với sản lượng khoảng 70 nghìn tấn/năm. Toàn bộ số thóc gạo trên, doanh nghiệp chế biến sau đó xuất khẩu khoảng 50% sản lượng, còn lại cung ứng thị trường trong nước. Để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con sản xuất với quy mô lớn, thu hoạch tập trung không có sân phơi thóc, doanh nghiệp còn xây dựng một dây chuyền khép kín có công đoạn sấy thóc tươi để thu mua luôn cả thóc ngoài chân ruộng cho bà con.

Ngoài Công ty TNHH Thủy Long, trên địa bàn tỉnh cũng đã thu hút được nhiều doanh nghiệp chế biến rau củ quả xuất khẩu, chế biến thịt lợn như Công ty TNHH xuất khẩu rau quả Hội Vũ ở Cụm công nghiệp Cầu Giát, Công ty TNHH Trung Thành ở KCN Đồng Văn I, Tập đoàn Masan đầu tư vào KCN Đồng Văn IV... Các doanh nghiệp này chuyên liên kết với bà con nông dân trồng và thu mua sản phẩm nông sản như: dưa chuột xuất khẩu, bí xanh, ngô ngọt với sản lượng lớn. Riêng Tập đoàn Masan đang phối hợp với các địa phương xây dựng trang trại nuôi lợn sạch để tạo nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục ưu tiên thu hút các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp chế biến bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho bà con nông dân đầu tư vào tỉnh nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, xây dựng được nhiều vùng sản xuất nông sản tập trung với quy mô lớn, tạo việc làm và tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Trần Hữu

Trần Thoan

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy