Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp

So với cùng kỳ năm trước, 6 tháng đầu năm 2018, sản xuất công nghiệp của tỉnh gặp nhiều khó khăn hơn (ước mới chỉ đạt 46,3% kế hoạch năm). Nguyên nhân là do kinh tế phục hồi chậm, sản xuất vật liệu xây dựng gặp nhiều khó khăn, nhiều dự án đầu tư chưa đúng tiến độ.

Theo đánh giá của ngành công thương, so với cùng kỳ năm trước, 6 tháng đầu năm 2018, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng khá. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng ước đạt 39.040 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2017. Một số sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh tăng cả về số lượng và chất lượng như: Bia, sữa, xe máy, xi măng, đồ điện tử.

Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm thu hút đầu tư vẫn duy trì được kết quả tốt. Toàn tỉnh thu hút được 43 dự án mới và thực hiện điều chỉnh tăng, giảm vốn đầu tư 16 dự án với tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh hơn 243 triệu USD và hơn 2.473 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, 6 tháng qua, ngành sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết các doanh nghiệp khai thác, chế biến đá, sản xuất vật liệu xây dựng đều sản xuất cầm chừng, sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm.

Sản xuất chế biến đá của Công ty cổ phần Nam Hà.

Ông Trương Minh Hiền, Giám đốc Công ty cổ phần Nam Hà, xã Thanh Tân (Thanh Liêm) cho biết: Chưa bao giờ ngành sản xuất chế biến đá lại khó khăn như năm nay. Những năm trước, thông thường chỉ mất 2 - 3 tháng đầu năm việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn, năm nay gần hết 6 tháng sản phẩm tiêu thụ rất chậm. Nhiều doanh nghiệp, trong đó có Công ty cổ phần Nam Hà vẫn phải duy trì sản xuất để "giữ chân" công nhân, trong khi đó sản phẩm đá các loại sản xuất ra chứa đầy bãi. Hy vọng 6 tháng cuối năm, Nhà nước sẽ mở rộng nguồn vốn đầu tư công để ngành sản xuất vật liệu xây dựng giảm bớt khó khăn.

Không chỉ nhóm ngành khai thác, chế biến đá, trong năm nay các doanh nghiệp sản xuất gạch tuynel trong tỉnh cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tại thời điểm hiện nay, giá gạch bán tại chân nhà máy chỉ có 700 - 800 đồng/viên, giảm 100 - 200 đồng so với cùng kỳ năm trước. Với giá xuất bán 700 đồng/viên, trừ chi phí than, điện, vật liệu đầu vào, lương công nhân..., nhiều doanh nghiệp phải vay vốn ngân hàng với số tiền lớn sẽ không còn lãi, song vẫn phải duy trì sản xuất để "giữ chân" công nhân và trả nợ ngân hàng.

Theo phân tích của nhiều doanh nghiệp sản xuất gạch tuynel, trong năm nay sản xuất gạch sẽ gặp khó khăn khi ngành sản xuất gạch nung chỉ trông chờ vào nhóm hộ gia đình xây nhà, còn lại phần lớn các công trình công chuyển sang xây dựng bằng gạch không nung, trong khi đó trên địa bàn tỉnh lại có nhiều nhà máy sản xuất gạch tuynel.

Ông Trần Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Trước những khó khăn trong sản xuất công nghiệp, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành nghiêm túc thực hiện 10 cam kết với các nhà đầu tư như: Cung cấp đủ nguồn lao động có chất lượng cho các doanh nghiệp; có quỹ đất dành riêng để xây dựng nhà ở cho công nhân; bảo đảm cung cấp đủ nguồn điện có chất lượng 24/24 giờ cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp... Nhờ đó, nhiều nhà đầu tư vào tỉnh đã nhanh chóng đi vào sản xuất ổn định, đưa sản phẩm ra tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, trong 6 tháng qua ngành công thương cũng gặp không ít khó khăn do tác động của thị trường thế giới và đầu tư công trong nước dẫn tới một số nhóm ngành sản xuất gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm, trong đó có nhóm ngành sản xuất vật liệu xây dựng, nhóm ngành sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Bên cạnh đó, công tác quản lý cụm công nghiệp còn nhiều khó khăn và bất cập, trong đó sự phối hợp giữa các cấp, ngành và địa phương chưa chặt chẽ dẫn tới một số doanh nghiệp tiến độ đầu tư chậm, hiệu quả hoạt động thấp, sử dụng đất lãng phí, không đúng mục đích.

Trong 6 tháng cuối năm, toàn tỉnh phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 50.500 tỷ đồng, nâng giá trị sản xuất công nghiệp cả năm được hơn 89.541 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm. Để đạt kết quả trên, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, phấn đấu đạt và vượt kế hoạch, từng bước lấy lại đà tăng trưởng cao của ngành công nghiệp.

Cụ thể, các ngành và địa phương: Tiếp tục thực hiện nghiêm 10 cam kết của UBND tỉnh với các nhà đầu tư; nâng cao chất lượng thẩm định, lựa chọn dự án có hiệu quả, khuyến khích dự án công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn; triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác quy hoạch; hoàn thiện mô hình, cơ chế quản lý mới đối với cụm công nghiệp.

Sở Công thương nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia một số hội chợ trong nước để doanh nghiệp có cơ hội mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

Trần Hữu

Trần Thoan

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy