Lãnh đạo tỉnh gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp

Sáng 18/4, UBND tỉnh tổ chức hội nghị gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp. Tới dự và chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Xuân Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự còn có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành chức năng.

Theo tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư, quý I/2017 toàn tỉnh có 151 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký hơn 916 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh hiện có 4.398 doanh nghiệp.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chủ trì tại hội nghị.

Trong số các doanh nghiệp trên có khoảng 98% doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, vừa, chỉ có 2% doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp chủ yếu sản xuất kinh doanh các ngành nghề: thương mại; xây dựng; chế biến vật liệu xây dựng; xi măng; điện; điện tử; bia; nước giải khát; sữa; xe gắn máy; thiết bị ô tô; thức ăn chăn nuôi.

Về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong 3 tháng đầu năm 2017, giá trị ước đạt 13.781,7 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2016. Một số sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh vẫn giữ được mức tăng trưởng khá như: Bộ dây dẫn ô tô, xe máy tăng 16,3%; thiết bị điện, điện tử tăng 16,1%; gạch các loại tăng 11,8%; thức ăn chăn nuôi tăng 13,2%; sữa tăng 11,5%; bia tăng 10,4%; nước giải khát tăng 18,1%.

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang giải quyết việc làm cho 104.402 lao động, với mức thu nhập bình quân ước đạt 6 triệu đồng/người/tháng.

Với mục tiêu khuyến khích doanh nghiệp thành lập mới, hỗ trợ doanh nghiệp cũ nhanh chóng phục hồi, mở rộng, chuyển đổi công nghệ sản xuất kinh doanh, trong thời gian qua, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng luôn đồng hành cùng doanh nghiệp lấy hiệu quả của doanh nghiệp là thành công của tỉnh.

Cụ thể, tỉnh duy trì và tập trung nâng cao chất lượng 10 cam kết với các nhà đầu tư. Việc cải cách thủ tục hành chính được các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện thường xuyên liên tục, quyết liệt và đồng bộ.

Đến nay, 100% các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được niêm yết công khai minh bạch tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của đơn vị. Số thủ tục hành chính được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định của pháp luật. Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã nhanh chóng được các ngành chức năng triển khai và áp dụng có hiệu quả rõ rệt.

Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Nguyễn Huy Cương phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp tập trung vào một số nội dung chính: Thiếu nguồn lao động cung cấp cho doanh nghiệp; Tình trạng mất điện còn diễn ra phổ biến; Công tác thanh, kiểm tra còn nhiều; Thiếu nhà ở cho công nhân; Nợ đọng xây dựng các doanh nghiệp còn nhiều; Nước sạch cung cấp cho doanh nghiệp chưa bảo đảm; Thủ tục hành chính giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai, tài nguyên khoáng sản còn rườm rà gây khó khăn cho doanh nghiệp…

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tại hội nghị, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã phân tích những hạn chế của chính quyền trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua kênh khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đó là: Chính quyền chưa quan tâm nhiều đến doanh nghiệp nhỏ; việc giải quyết các thủ tục hành chính chưa đồng đều, có nhiều khâu như đất đai, bảo hiểm xã hội, phòng cháy chữa cháy còn rườm rà vướng mắc; chất lượng đào tạo nghề còn thấp; công tác thanh tra còn chồng chéo, nhiều nội dung trùng lắp.

Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Doanh nghiệp, doanh nhân đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh. Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định hiệu quả của doanh nghiệp là thành công của tỉnh.

Trong thời gian tới, các sở, ngành chức năng của tỉnh và chính quyền địa phương tiếp tục phổ biến, tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết số 19/NQ – CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ chính: Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, coi nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Rà soát, bổ sung các cơ chế chính sách trong thu hút, quản lý các nguồn lực cho đầu tư và phát triển. Quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trong các khu công nghiệp, thường xuyên lắng nghe ý kiến, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Công khai, minh bạch các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại các địa phương, giá thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo nghề, khuyến khích các thành phần tham gia đào tạo nghề cung cấp nguồn lao động có chất lượng cho doanh nghiệp.

Trần Hữu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy