Chấm dứt hoạt động sản xuất các lò vôi thủ công

Theo quy định, các lò vôi thủ công trên địa bàn đều phải chấm dứt hoạt động. Tuy nhiên, các tập thể, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này còn trăn trở về địa điểm di dời, phương án hỗ trợ cho việc tháo dỡ...

Dân đồng thuận...

Kết luận thanh tra số 660/KLTT-UBND ngày 23/3/2018 của UBND tỉnh về việc chấp hành pháp luật đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh vôi và hoạt động cầu cảng của các cơ sở sản xuất vôi thủ công nêu rõ: Chậm nhất đến ngày 30/10/2018 sẽ chấm dứt hoạt động các lò vôi thủ công và hoạt động bến thuỷ nội địa của Công ty cổ phần Đức Hồng, Công ty TNHH Văn Hoa và hộ ông Bùi Đức Nhân (khu vực Tây Hà, thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm). Các lò vôi và bến thuỷ còn lại (phía Đông Hà, thị trấn Kiện Khê và khu vực khác) chấm dứt hoạt động chậm nhất ngày 30/10/2019.

Theo kết quả thanh tra có tổng số 29 lò vôi, trong đó có 23 lò đang hoạt động. Số lò vôi tập trung chủ yếu tại địa bàn thị trấn Kiện Khê (Thanh Liêm), với tổng số 13 cơ sở có lò vôi thủ công.

Kết luận thanh tra cũng nêu rõ nguồn gốc đất đai sử dụng; thực hiện quy định bảo vệ môi trường; về đầu tư, xây dựng; về kinh doanh sản xuất vôi và về hoạt động bến thủy nội địa của các cơ sở sản xuất vôi. Điều đáng chú ý là toàn bộ các lò vôi có thời gian hoạt động trên 30 năm, được xây dựng theo kinh nghiệm, không có hồ sơ thiết kế, hồ sơ quản lý chất lượng. Hiện tại không đánh giá được chất lượng công trình.

Đóng bao sản phẩm vôi trước khi xuất bán ra thị trường.

Qua khảo sát công trình có dấu hiệu xuống cấp. Có 8 cơ sở sử dụng đất sai mục đích theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp. Toàn bộ các cơ sở sản xuất vôi thủ công không tuân thủ các quy định về môi trường, ảnh hưởng đến môi trường sống của các hộ dân xung quanh, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư. Các hạng mục trụ cẩu không có giấy phép hoạt động bến thủy.

Bà Nguyễn Thị Hào (Công ty TNHH Văn Hoa) nói: Chúng tôi đồng thuận với quyết định với của UBND tỉnh về việc chấm dứt hoạt động các lò vôi thủ công. Thực hiện kết luận thanh tra, công ty đã cắt giảm công suất, chuyển một số khâu sản xuất ra bên ngoài, che chắn khu vực lò để giảm lượng bụi phát tán và tránh sản xuất vào giờ cao điểm.

Nghề làm vôi ở Kiện Khê có từ lâu đời, phục vụ xây dựng ở địa phương và trong khu vực. Nghề tạo việc làm cho nhiều lao động, ở mọi lứa tuổi. Thực hiện quy định chung của Nhà nước và của tỉnh về xoá bỏ lò gạch và lò vôi thủ công, người lao động tại các lò vôi đều ý thức chấp hành nghiêm quy định của tỉnh.

Theo bà Dương Thị Thúy Hạnh, cán bộ giao thông xây dựng thị trấn Kiện Khê: Thực hiện kết luận thanh tra và tiến tới chấm dứt hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh, cho đến nay các cơ sở sản xuất vôi trên địa bàn đã tháo dỡ được 3 trụ cẩu. Nhiều lò vôi đã thực hiện cắt giảm công suất.

Còn những trăn trở...

Đồng thuận với việc chấm dứt hoạt động, nhưng điều làm các chủ lò vôi băn khoăn suy nghĩ là tại sao trên cùng một địa bàn, nơi lại phải dừng trước, nơi dừng sau, thời gian cách nhau đến cả một năm.

Lý giải về điều này, ông Phạm Mạnh Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng nói: Kết luận thanh tra số 660/KLTT-UBND nêu rõ tại tiểu khu La Mát, thị trấn Kiện Khê có 3 cơ sở hoạt động sản xuất vôi tập trung (Công ty cổ phần Đức Hồng, Công ty TNHH Văn Hoa và hộ ông Bùi Đức Nhân) với tổng số 14 lò, trong đó có 13 lò đang hoạt động. Khu vực này tập trung đông dân cư và các công trình công cộng, dẫn đến các hộ dân đã có đơn kiến nghị với hàng trăm người ký tên.

Sản xuất vôi tại Công ty TNHH Văn Hoa.

Hiện các cơ sở sản xuất vôi ở khu vực Tây Hà như đang  ngồi trên đống lửa, vì thời hạn chấm dứt hoạt động đã cận kề nhưng chưa biết phải chuyển đến địa điểm nào để xây dựng lò mới, trong khi hợp đồng sản xuất phần nhiều các lò vôi đã ký đến hết năm mới thanh lý.

Lo vì công việc sản xuất, nhiều chủ lò cũng lo cho cả việc làm của các lao động đã bao năm gắn bó với công ty. Đa số lao động hiện ở tuổi trung niên sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiếm việc làm mới nếu lò vôi phải giải thể.

Ngày 1/8/2018, các công ty sản xuất và chủ lò vôi khu vực Tây Hà đã có đơn đề nghị gửi chính quyền các cấp. Theo đó, các cơ sở đề nghị tỉnh “tạo nhanh mặt bằng” để tiếp tục sản xuất và bảo đảm công bằng giữa hai khu sản xuất Đông Hà và Tây Hà vì đều nằm trên đất của thị trấn Kiện Khê.

Ông Nguyễn Văn Hoá (Công ty TNHH Văn Hoa) nói: Chúng tôi đề nghị đến các cấp chính quyền tạo điều kiện cho chúng tôi tiếp tục sản xuất. Xoá bỏ cùng thời điểm lò vôi ở hai miền Đông Hà và Tây Hà. Cho chúng tôi được sản xuất đến hết năm 2018 hoặc năm 2019, vì hợp đồng sản xuất đã ký đến hết năm. 

“Rất mong UBND tỉnh tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất vôi được kéo dài thêm thời gian sản xuất theo lộ trình xóa bỏ lò vôi thủ công của Thủ tướng Chính phủ. Nếu dừng sản xuất ngay sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đơn hàng đã ký và nhu cầu tiêu thụ vôi trên địa bàn cả nước. Vì hiện nay, vôi của Hà Nam đang chiếm một thị phần lớn.” Ông Phạm Ngọc Thiện, Phó giám đốc Công ty cổ phần Tân Đại Phát nêu quan điểm.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Điểu, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Liêm: Quan điểm chỉ đạo của huyện là thực hiện quyết liệt theo đúng Kết luận số 660 của UBND tỉnh. Từ nay đến 30/10/2018 sẽ chấm dứt hoạt động của 3 cơ sở sản xuất bên Tây Hà. Hiện huyện giao nhiệm vụ cho các ngành chuyên môn, UBND thị trấn Kiện Khê xây dựng kế hoạch chi tiết, lộ trình cụ thể thông báo tới các cơ sở sản xuất vôi nhằm tổ chức thực hiện hiệu quả kết luận sau thanh tra.

Thanh Bình

Tiến Đoàn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy