Đơn vị kilogram chính thức được định nghĩa lại

Giới khoa học thống nhất định nghĩa lại đơn vị kilogram bằng hằng số Planck và thay đổi sẽ có hiệu lực vào tháng 5 năm sau.

Nguyên mẫu kilogram quốc tế trong hầm an toàn ở Paris. Ảnh: Reuters.

Các nhà khoa học bỏ phiếu nhất trí thay đổi cách định nghĩa kilogram hôm qua tại Hội nghị Đo lường Quốc tế ở Versailles, Pháp, Guardian đưa tin. Theo đó, đơn vị này sẽ không còn được xác định bằng nguyên mẫu kilogram quốc tế (IPK), khối kim loại hình trụ bằng bạch kim trong hầm an toàn ở Paris như quy ước cách đây gần 130 năm, mà được thay bằng hằng số Planck gắn liền với ngành lượng tử.

"Cuộc bỏ phiếu kín rất xúc động", Stephan Schlamminger, nhà vật lý ở Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Mỹ, người tìm cách định nghĩa lại đơn vị kilogram trong nhiều năm qua, chia sẻ. "Họ điểm danh mỗi nước. Mọi người đều cảm nhận được hệ thống đo lường lớn tới mức nào".

Theo định nghĩa, IPK hay còn có tên Le Grand K là một kilogram chuẩn nhưng từ lâu các nhà khoa học đã biết khối lượng của nó thay đổi theo thời gian do sự hao mòn và ô nhiễm không khí bám vào bề mặt. Hệ thống mới sẽ ngừng sử dụng IPK và định nghĩa đơn vị khối lượng thông qua lực điện cần dùng để đẩy một kilogram trên thiết bị cân bằng Kibble. Bản thân dòng điện được gắn với hằng số Planck thông qua những hiệu ứng lượng tử từng được mô tả bởi Brian Josephson và Klaus von Klitzing, hai học giả đoạt giải Nobel.

Cùng với kilogram, ba đơn vị cơ bản khác cũng sẽ được định nghĩa lại theo kết quả bỏ phiếu. Các đơn vị đo dòng điện (ampe) nhiệt độ (kelvin) và lượng vật chất (mole) đều được gắn với những hằng số tự nhiên tương ứng là điện tích, hằng số Boltzmann và hằng số Avogadro. Hệ đo lường quốc tế gồm 7 đơn vị cơ bản, trong đó có đơn vị thời gian (giây), đơn vị độ dài (mét), và đơn vị độ sáng (candela). Định nghĩa của những đơn vị này vẫn giữ nguyên.

Martin Milton, giám đốc Văn phòng Cân đo Quốc tế, nhận xét việc định nghĩa lại các đơn vị là "khoảnh khắc đáng nhớ đánh dấu tiến bộ khoa học". "Sử dụng những hằng số cơ bản mà chúng ta quan sát được trong tự nhiên làm nền tảng cho các khái niệm quan trọng như khối lượng và thời gian, giúp thúc đẩy hiểu biết khoa học, phát triển công nghệ mới và giải quyết một số thách thức lớn nhất trong xã hội", Milton nói. Các thay đổi sẽ có hiệu lực vào Ngày Đo lường Thế giới 20/5/2019.

Theo VnExpress

Hải Phong

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.