Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng với các cựu chiến binh (CCB) là quân tình nguyện Việt Nam thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Lào vẫn không nguôi quên những năm tháng từng sống, chiến đấu trên đất bạn. Những năm tháng ấy đã trở thành dấu ấn, mốc son sáng ngời trong cuộc đời các CCB và là niềm tự hào bởi đã góp phần vào sứ mệnh cao cả trong đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa hai dân tộc Việt – Lào.
CCB Phạm Văn Khiêm (Trưởng Ban liên lạc Quân tình nguyện và Chuyên gia Quân sự Việt Nam giúp bạn Lào tỉnh Hà Nam) vốn là một trong những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Lào, từng tham gia "Chiến dịch Z"- Chiến dịch giải phóng Cánh Đồng Chum- Xiêng Khoảng. Giờ đây, trong câu chuyện với chúng tôi, cựu chiến binh Phạm Văn Khiêm và đồng đội của ông vẫn còn đau đáu về những kỷ niệm vui buồn, những trận giao tranh ác liệt, những lần tận mắt chứng kiến đồng đội hy sinh và cả những lần chết hụt của bản thân... Ông Khiêm kể: Tháng 5/1971, tôi đang là công nhân của Trạm Lâm nghiệp Hát Lót (Sơn La) thì được lệnh lên đường nhập ngũ vào đơn vị thuộc Tiểu đoàn 371, Quân khu Tây Bắc. Sau 3 tháng huấn luyện đặc biệt, tôi được điều về Trung đoàn 335, Quân khu Tây Bắc thực hiện nhiệm vụ giúp cách mạng Lào. Đây là nhiệm vụ được cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam xác định "giúp bạn là mình tự giúp mình" theo phương châm chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh; không quản ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh, quyết chiến, quyết thắng bảo vệ vững chắc nền độc lập của hai dân tộc.
Trong ký ức của CCB quân tình nguyện Phạm Văn Khiêm, kỷ niệm về những lần trực tiếp tham gia chiến đấu sẽ mãi là dấu tích của cuộc đời binh nghiệp. Ông nhớ nhất lần địch tấn công ra Cánh Đồng Chum vào mùa mưa 1972. Chúng chốt đỉnh Phu Theng, liên tục bắn pháo về hậu phương của ta, chặn các ngả đường từ xa mà ta có thể hành quân tấn công và Tiểu đoàn 2, mà trực tiếp là Đại đội 8 của ông được giao nhiệm vụ phải "nhổ bỏ" cứ điểm này. Để thực hiện nhiệm vụ, ông cùng đồng đội đã hành quân tiếp cận trận địa an toàn bí mật, chờ giờ G để nổ súng. Quân ta lợi dụng địa hình và sơ hở của địch, ta đã đồng loạt bắn hạ quân địch, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Rồi trong trận tấn công Phu Mộc vào đầu năm 1972, một trận đánh ác liệt giữa ta và địch, mũi tấn công do đơn vị ông đảm nhiệm có 7 cán bộ, chiến sĩ trực tiếp nhận nhiệm vụ. Quán triệt lệnh của cấp trên, đơn vị ông sẽ tấn công khi trung đội bạn cho nổ mìn định hướng thì cùng xung phong. Bốn giờ sáng, bỗng phía trung đội bạn có người vướng phải dây mìn phát sáng của địch, một vệt sáng lóe bay thẳng lên, địch phát hiện bị tấn công nên dùng hỏa lực bắn xuống như mưa. Quân ta chống trả quyết liệt, giằng co nhau hàng tiếng đồng hồ. Khi trời gần sáng, địch vẫn kiên quyết không lui và người đồng đội chiến đấu gần ông bị trúng đạn. Ông Khiêm đã không quản hiểm nguy lao đến chỗ đồng đội, một tay ông cầm súng, một tay kéo đồng đội nằm lên lưng mình, rồi cứ thế để thân mình trượt dốc, mặc cho gai rừng sỏi đá như gai như trông xâm xỉa dưới bụng. Xuống chân đồi, ông nhổm người bò thật nhanh đến một khe đá, được gặp y tá và vận tải cấp cứu nhưng do mất nhiều máu người đồng đội ấy đã không qua khỏi... Hình ảnh người đồng đội trước lúc hy sinh không nói được lời gì mà chỉ trào nước mắt khiến ông lặng người và thầm hứa sẽ quyết tâm trả thù cho đồng đội. Vẫn áo quần đầy máu, ông nắm chặt tay súng vượt dốc tiến lên mặc cho trên đầu đạn réo, tiếp tục cùng các đồng đội còn lại chiến đấu đến cùng...
Đến khoảng giữa năm 1973, đơn vị ông từ khu trung gian được rút về tuyến sau làm công tác cơ động sẵn sàng chiến đấu, lúc này ông Khiêm đã là B phó (trung đội phó) rồi được kết nạp vào Đảng lao động Việt Nam, rồi thăng hàm thượng sĩ chức B trưởng (trung đội trưởng). Cùng với đó, tháng 3/1973, Đại đội 8 và Trung đoàn 335 đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Niềm vui lớn lao đó của đơn vị được nhân lên gấp bội khi được Bộ Quốc phòng, chỉ huy mặt trận, các đơn vị bạn quân tình nguyện, các đơn vị bạn Lào tại Xiêng Khoảng; Đoàn văn công Xiêng Khoảng, văn công Tổng cục Chính trị Quân đội Việt Nam cũng tới biểu diễn và bà con các bản Lào đến chúc mừng.
Cuối năm 1971, chiến sĩ trẻ Vũ Mạnh Hùng (xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm) lên đường tham gia Quân tình nguyện Lào. Khi đó, ông Hùng được biên chế vào Trung đoàn 9, Sư đoàn 968 hoạt động ở vùng Nam Lào. Sau gần 4 năm chiến đấu trên đất bạn, đơn vị ông đã hoàn thành nhiệm vụ quốc tế. Cuối năm 1974, Sư đoàn 968 được lệnh hành quân về Tổ quốc, tham gia chiến dịch giải phóng Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải Khu V, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước... CCB Vũ Mạnh Hùng tâm sự: Những năm tháng đó, trong sự khốc liệt của chiến tranh, ông và đồng đội của mình đã được Đảng, Nhà nước, Nhân dân cách mạng Lào thương yêu, chia sẻ, đùm bọc, giúp đỡ. Đi tới đâu, bà con cũng dành cho bộ đội tình nguyện Việt Nam tình cảm chân thành, nồng hậu. Điều đó đã tiếp thêm nghị lực, là nguồn cổ vũ động viên những người lính quân tình nguyện Việt Nam khắc phục khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặc biệt mà Đảng, Nhà nước, Quân đội tin tưởng giao phó.
Tháng 5/1971, tôi đang là công nhân của Trạm Lâm nghiệp Hát Lót (Sơn La) thì được lệnh lên đường nhập ngũ vào đơn vị thuộc Tiểu đoàn 371, Quân khu Tây Bắc. Sau 3 tháng huấn luyện đặc biệt, tôi được điều về Trung đoàn 335, Quân khu Tây Bắc thực hiện nhiệm vụ giúp cách mạng Lào. Đây là nhiệm vụ được cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam xác định "giúp bạn là mình tự giúp mình" theo phương châm chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh; không quản ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh, quyết chiến, quyết thắng bảo vệ vững chắc nền độc lập của hai dân tộc.
CCB Phạm Văn Khiêm (Trưởng Ban liên lạc Quân tình nguyện và Chuyên gia Quân sự Việt Nam giúp bạn Lào tỉnh Hà Nam).
Trong dịp gặp mặt các đồng đội từng một thời vào sinh ra tử mới đây, cựu quân tình nguyện Nguyễn Xuân Khoa (thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm) trào dâng biết bao cảm xúc. Ông Nguyễn Xuân Khoa xúc động trải lòng: Chúng tôi là những người may mắn trở về sau cuộc chiến, cho đến tận bây giờ và mãi mãi về sau, ký ức về những năm tháng sống, chiến đấu ác liệt trên đất bạn Lào vẫn không thể nào nguôi quên. Những chiến công lập được trên đất bạn Lào luôn là niềm tự hào góp phần tô thắm truyền thống tốt đẹp láng giềng hữu nghị Việt –Lào "Mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững".
Không chỉ với cựu quân nhân Phạm Văn Khiêm, Vũ Mạnh Hùng, Nguyễn Xuân Khoa..., ký ức về những ngày cầm súng trên đất bạn Lào như những thước phim còn lưu giữ trong tâm trí những người CCB quân tình nguyện Lào. Trải qua các thời kỳ, Hà Nam có hàng ngàn người con đứng trong hàng ngũ các đơn vị quân tình nguyện và chuyên gia quân sự trực tiếp góp sức giúp cách mạng Lào. Các chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu, công tác, lập công xuất sắc, trở thành những người anh hùng trên đất bạn Lào. Cả nước có 51 tập thể, 28 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; trong đó, Hà Nam có 2 cá nhân xuất sắc được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Trở về cuộc sống đời thường, các cựu quân tình nguyện Việt Nam tại Lào vẫn luôn là những CCB gương mẫu, kiên trung, xung kích trong phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc; thường xuyên thăm hỏi và tổ chức các hoạt động tình nghĩa, vận động quyên góp ủng hộ CCB Lào có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi khi có dịp trở lại chiến trường xưa, được gặp gỡ những người đồng chí, đồng đội, những cựu quân tình nguyện như được sống lại một thời gian khổ mà hào hùng, đấu tranh cho nền độc lập dân tộc của hai nước Việt - Lào, để rồi tiếp tục có những đóng góp thiết thực, góp phần xây đắp tình cảm gắn bó máu thịt, thủy chung giữa quân đội và nhân dân hai nước.
Phương Dung