Những chiêu lấy lòng cử tri của các ứng cử viên tổng thống Mỹ

Trong lịch sử các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, ứng cử viên luôn khéo léo sử dụng biện pháp sáng tạo khi vận động tranh cử để thu hút cử tri, từ bài hát cho đến đồ chơi, bao thuốc lá…

Kênh History (Mỹ) đã tổng hợp 7 chiêu thức tiêu biểu mà các ứng viên tổng thống Mỹ đã sử dụng để truyền tải thông điệp của họ và tạo thiện cảm, thu hút thêm ủng hộ cũng như phiếu bầu từ cử tri.

Bài hát vận động

Những chiêu lấy lòng cử tri của các ứng cử viên tổng thống Mỹ
Các cuốn sách bài hát của những cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ trong thế kỷ 19 để quảng bá hình ảnh tích cực của các ứng cử viên. Ảnh: History

Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 1840 là cuộc bầu cử hiện đại đầu tiên, tràn ngập các khẩu hiệu hấp dẫn, bài hát vận động sôi nổi xoay quanh ứng cử viên.

Các ứng cử viên tranh cử tổng thống Mỹ năm 1840 là ông Martin Van Buren đảng Dân chủ đấu với William Henry Harrison của đảng Whig (1834 – 1854). Đảng Dân chủ cố miêu tả Harrison là một người đàn ông uống rượu táo mạnh và sống trong căn nhà gỗ.

Trong khi đó, đảng Whigs đã xây dựng cho Van Buren vai “Van Ruin”, một quý tộc giàu có, cô đơn. Trên thực tế, Harrison là con trai của một gia đình khá giả lâu đời ở Virginia, trong khi Van Buren lớn lên trong nghèo khó.

Bà Claire Jerry tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Mỹ của Smithsonian, cho biết: “Đó là một ví dụ hoàn hảo về việc gắn các khẩu hiệu và hình ảnh tranh cử cho ứng cử viên mà trong trường hợp này thực sự không khớp chút nào”.

"The Harrison Song", một bài hát trong chiến dịch tranh cử của Harrison năm 1840, ca ngợi ông vừa là một nông dân vừa là một vị tướng vĩ đại. Bài hát có tiêu đề "The Farmer of North Bend" tưởng tượng Harrison là một nông dân gõ cửa nhà những người có quyền lực ở Washington, D.C. Cuối cùng, Harrison chiến thắng bầu cử và trở thành Tổng thống thứ 9 của Mỹ.

Bài hát tranh cử nổi tiếng nhất năm 1840 là “Tippecanoe và Tyler Too!” đề cập đến Harrison với tư cách là anh hùng trong Trận chiến Tippecanoe (1811) và người liên danh tranh cử của ông là John Tyler. Tiêu đề bài hát còn được biến thành khẩu hiệu tranh cử.

Có nhiều ví dụ khác cho thấy ứng cử viên cố tình sử dụng các bài hát tranh cử với chủ đích chính trị. Các bài hát vận động tranh cử cho nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống thứ 18 Mỹ Ulysses S. Grant có tiêu đề "Grant Boys of 72", "Shout Then for Liberty and Union", "Grant's Our Banner Man" và "Grant Campaign Song”. Tất cả đều gợi lên cảm xúc về chiến thắng của Liên minh Miền Bắc do Tướng Ulysses S. Grant chỉ huy trong nội chiến Mỹ (1861-1865). Và nhiệm vụ chính của thời điểm diễn ra cuộc bầu cử năm đó là xây dựng nước Mỹ hòa bình và thống nhất.

Có những bài hát tranh cử thậm chí gắn liền với ứng cử viên về lâu dài. Năm 1992, ông Bill Clinton sử dụng bài “Don’t Stop” của ban nhạc Fleetwood Mac làm bài hát vận động tranh cử. Bài hát tiếp tục gắn liền với Clinton, được chơi trước khi ông xuất hiện trước công chúng vào năm 2012. Fleetwood Mac đã biểu diễn bài hát tại lễ nhậm chức năm 1993 của ông Clinton.

Thuốc lá

Những chiêu lấy lòng cử tri của các ứng cử viên tổng thống Mỹ
Các bao thuốc lá in hình ứng cử viên của cuộc bầu cử năm 1988. Ảnh: History

Vào thế kỷ 19, hộp xì gà là một trong những vật dụng dán quảng cáo vận động tranh cử giúp tiếp cận được nhiều người nhất. Thói quen hút thuốc và xì gà là một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày ở Mỹ thế kỷ 19.

Chiến dịch vận động tranh cử năm 1888 của ứng viên đảng Cộng hòa Bejamin Harrison đã phát hộp đựng thuốc lá bằng gỗ. Nghị sĩ Henry Clay từng tham gia vận động tranh cử 3 lần trong các năm 1824, 1832 và1844 đã ra mắt tẩu thuốc có khắc chân dung ông. Chiến dịch vận động tranh cử của William Howard Taft năm 1908 có một điếu xì gà khổng lồ dài gần 23 cm được trang trí bằng hình ảnh khuôn mặt của ông.

Khi người Mỹ chuyển sử dụng từ xì gà sang thuốc lá vào thế kỷ 20, các công ty thuốc lá đã sản xuất những gói thuốc lá năm bầu cử đặc biệt cho mỗi ứng cử viên. Cửa hàng thuốc lá thường bán các gói thuốc này và theo dõi doanh số bán hàng như một kiểu “thăm dò ý kiến” không chính thức.

Bà Jerry nói: “Khi Dwight D. Eisenhower đấu với ứng cử viên đảng Dân chủ Adlai E. Stevenson năm 1952, các cửa hàng trưng bày hai loại thuốc lá này và nói: ‘Dựa trên doanh số bán hàng, chúng tôi dự đoán rằng Dwight D. Eisenhower sẽ thắng’”. Và kết quả là Dwight D. Eisenhower đã giành chiến thắng áp đảo và trở thành tổng thống thứ 34 của Mỹ.

Bất chấp những ảnh hưởng sức khỏe rõ ràng của việc hút thuốc, thuốc lá chủ đề chiến dịch bầu cử vẫn được bán và phân phối trên toàn nước Mỹ cho đến cuộc bầu cử năm 1988 giữa George H.W. Bush và Michael Dukakis.

Ghim cài áo

Ghim cài áo chiến dịch vận động tranh cử là một trong những hình thức được sản xuất hàng loạt và phổ biến nhất của các sự kiện này.

Những người ủng hộ vị tổng thống đầu tiên của nước Mỹ George Washington đã thể hiện lòng trung thành của mình bằng cách khâu những cúc đồng kỷ niệm vào áo khoác của họ.

Bà Jerry chia sẻ: “Các ghim cào áo của chiến dịch ban đầu là cúc kim loại. Nó được duy trì trong một thời gian. Chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng từ cúc (button) ngay cả sau khi phiên bản ghim cài áo đã phát triển”.

Những chiếc ghim cài áo chiến dịch hiện đại đầu tiên ra đời vào năm 1896 và được làm từ vật liệu mới là celluloid – loại nhựa đầu tiên được sản xuất bằng phương pháp hóa học.

Vào những năm 1870 và 1880, một số ghim nhựa còn in cả khuôn mặt của ứng viên. Vào những năm 1890, một phương pháp sản xuất mới đã được cấp bằng sáng chế. Khi đó, nhà sản xuất sử dụng một tấm celluloid mỏng để phủ lên hình ảnh in trên giấy. Chúng được quấn quanh miếng kim loại có ghim ở mặt sau. Với quy trình sản xuất mới, rẻ hơn này, ghim cài áo chiến dịch hiện đại đã ra đời. Về cơ bản, đây là quy trình tương tự được sử dụng để sản xuất các ghim cài áo chiến dịch vận động tranh cử ngày nay.

Sản phẩm liên kết

Những chiêu lấy lòng cử tri của các ứng cử viên tổng thống Mỹ
Hộp mỳ ống và phô mai đặc biệt của Kraft năm 1996. Ảnh: History

Năm 1996, tập đoàn Kraft đã sản xuất những hộp mỳ ống và phô mai đặc biệt để phân phát tại đại hội toàn quốc Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ năm đó. Sợi mì thông thường được thay bằng mì tạo hình con lừa hoặc con voi.

Nhưng đó không phải là lần đầu tiên một nhà sản xuất Mỹ tìm cách tiếp thị sản phẩm của họ với cử tri ở cả hai đảng. Ngay cả những nhà sản xuất quy mô nhỏ cũng tham gia phương pháp này, chẳng hạn như các nhà kim khí thế kỷ 19 đã bán khóa thắt lưng kiểu cách cho cả hai ứng cử viên vào năm 1888.

Những chiêu lấy lòng cử tri của các ứng cử viên tổng thống Mỹ
Xà phòng em bé của công ty Jergens. Ảnh: History

Một trong số những sản phẩm liên kết kỳ lạ nhất là xà phòng hình em bé của công ty Jergens. Loại xà phòng này xuất hiện trong cuộc bầu cử năm 1896. Cuộc đua năm đó diễn ra giữa ứng cử viên William McKinley của Đảng Cộng hòa và William Jennings Bryan của Đảng Dân chủ. Năm 1896, các công ty xà phòng như Jergens muốn thể hiện rằng công nghệ sản xuất mới cho phép họ tạo ra xà phòng đủ hình thù thay vì chỉ ở dạng bánh đơn điệu. Và họ đã lựa chọn tạo xà phòng hình em bé.

Các bánh xà phòng được cho vào hộp với tấm thẻ nhỏ ghi rằng “Bố tôi tặng bạc miễn phí!” hoặc “Bố tôi ủng hộ bản vị vàng!'". Điều này đề cập đến nội dung vận động tranh cử của ứng cử viên Bryan muốn bỏ chế độ bản vị vàng để áp dụng kế hoạch kinh tế có tên “bạc tự do”.

Nhãn dán ô tô

Nhãn dán ô tô là sản phẩm ra đời từ các chiến dịch vận động tranh cử hiện đại. Vào những năm 1920 và 1930, người sở hữu ô tô thể hiện lòng trung thành chính trị của mình bằng cách gắn các biển hiệu kim loại lên biển số và cản xe.

Những người ủng hộ Franklin D. Roosevelt thậm chí bày tỏ lòng nhiệt thành với ứng cử viên của họ đến mức khoan lỗ trên cản trước ô tô để gắn vĩnh viễn một tấm biển kim loại có dòng chữ “ROOSEVELT”.

Những nhãn dán ô tô hiện đại đầu tiên được bán sau Chiến tranh Thế giới thứ hai nhờ cải tiến về nhựa, chất kết dính.

Đồ chơi

Trẻ em không thể bỏ phiếu, nhưng điều đó không ngăn được các chiến dịch vận động tranh cử tìm cách thu hút “đứa trẻ” trong mỗi cử tri bằng đồ chơi và trò chơi xoay quanh ứng cử viên.

Chiến dịch tái tranh cử năm 1888 của Grover Cleveland đã phát hành một bộ bài đặc biệt. Cleveland là tổng thống đầu tiên kết hôn khi tại chức và người vợ trẻ đẹp Frances của ông là một bóng hồng nổi tiếng của thế kỷ 19. Chiến dịch vận động tái tranh cử của Cleveland đã tận dụng sự mến mộ của người Mỹ đối với đệ nhất phu nhân bằng cách in bộ bài với hình Frances trên các lá bài nữ hoàng, Cleveland là các lá bài vua và một loạt các bộ trưởng trên các lá bài khác.

Trong cuộc bầu cử năm 1960, chiến dịch tranh cử của ứng cử viên Richard Nixon đã phân phát phiên bản đặc biệt của một loại đồ chơi trẻ em phổ biến được gọi là clicker. Những món đồ chơi cầm tay nhỏ tạo ra âm thanh sắc nét. Chiến dịch tranh cử của Nixon thậm chí còn nghĩ ra một khẩu hiệu và bài hát hấp dẫn đi kèm với món đồ chơi này, có tên là “Click with Dick”.

Quảng cáo trên truyền hình

Ngày nay, các ứng cử viên và mạng lưới tài trợ của họ thường chi hàng tỷ USD cho quảng cáo trên truyền hình và internet. Nhưng trong những ngày sơ khai của truyền hình, không phải ứng cử viên nào cũng hiểu được sức mạnh của kênh truyền thông này.

Cuộc tranh cử năm 1952 giữa Dwight D. Eisenhower và Adlai Stevenson là lần đầu tiên các ứng cử viên sử dụng quảng cáo truyền hình. Năm 1952 đã có hàng chục triệu TV trên toàn nước Mỹ.

Nhưng thay vì phát sóng quảng cáo dài 60 giây, chiến dịch tranh cử của Stevenson đã thực hiện “kỳ thông tin” dài 30 phút, trong đó ứng cử viên giải thích quan điểm chính sách của mình cho cử tri. Vì chiến dịch của ông Stevenson không muốn trả nhiều tiền cho hình thức này nên “kỳ thông tin” được phát sóng vào đêm khuya khi lưu lượng người xem thấp.

Theo Hà Linh/Báo Tin tức

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy