kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Thú vui sưu tầm đồ vật lao động đời sống xưa

Thú vui sưu tầm đồ vật lao động đời sống xưa

Cuộc sống hiện đại, những đồ vật sinh hoạt, lao động trong đời sống xã hội xưa cũ dần bị lãng quên. Việc tìm kiếm, sưu tầm, lưu giữ những món đồ tưởng như "bỏ đi" lại được một số người xem như niềm đam mê của mình.

Vừa cẩn thận lau chiếc gầu dây (còn gọi là gầu giai) lên màu thời gian nâu bóng, anh Lê Anh Tuấn, ở Phù Vân (TP Phủ Lý) vừa vui vẻ cho biết: Tát nước bằng gầu dây là công việc hằng ngày rất đỗi quen thuộc đối với người nông dân trước đây. Ngày ấy, việc tát nước chống hạn cho ruộng đồng đều phải dùng đến sức người, với công cụ hỗ trợ là chiếc gầu đơn sơ. Gầu tát nước thời xưa thường đan bằng tre, nứa, hình phễu, có miệng loe, trên miệng cạp một vòng bằng tre to cho chắc và hai bên thành có gắn với khung nẹp, ở giữa có thanh tre bắt ngang chia đôi miệng gầu. Bốn sợi dây thừng được buộc vào miệng và đáy gầu ở hai phía dùng cho hai người cùng tát nước...

Một góc trưng bày những vật dụng lao động thời xưa của anh Lê Anh Tuấn.

Anh Tuấn đã có khoảng 10 năm theo đuổi niềm đam mê sưu tầm những đồ vật lao động đời sống xưa. Phạm vi địa bàn sưu tầm chủ yếu ở quanh khu vực nơi sinh sống và các tỉnh lân cận. Ngoài những vật dụng như: đó, đơm, gầu sòng, gầu dây, cối đá… từ những năm 1990 trở về trước, anh còn sưu tầm, lưu giữ những đồ gỗ, đồ đồng, đồ sành sứ... Anh luôn tìm tòi, học hỏi, tìm hiểu về giá trị lịch sử, văn hóa của những đồ vật xưa cũ đó và mong muốn tạo dựng một gian trưng bày chuyên đề dành riêng về nông cụ lao động, sản xuất của người nông dân và những vật dụng thời bao cấp…

Anh Tuấn cho biết: Kho tài liệu lịch sử, văn hóa vô giá ở ngay xung quanh chúng ta. Tôi tìm trên các trang tin chính thống để hiểu rõ hơn giá trị các đồ vật thời xưa của cha ông, công năng sử dụng của những đồ vật đó gắn với đời sống xã hội thời bấy giờ.

Cũng như anh Tuấn, ông Nguyễn Văn Lũy, thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân) có sở thích đặc biệt đối với những đồ vật xưa, nhất là đồ vật gắn với đời sống thời bao cấp. Tại nhà ông hiện có khoảng vài chục món đồ từ đài cát-xét, đồng hồ, âu, liễn… đến các vật dụng như bát, đĩa, nậm rượu, mâm đồng.

Ông Lũy chia sẻ: Trước đây, tôi có nghề sửa chữa thiết bị âm thanh, giờ đây, để có thể kết hợp với niềm yêu thích sưu tầm đồ vật xưa cũ, tôi đã mở cửa hàng buôn bán đồ đồng, đồ thờ tại gia đình. Mỗi khi có dịp đi trả hàng cho khách hoặc đi giao lưu quanh các khu vực lân cận, nhìn thấy những vật dụng thời bao cấp, tôi rất thích, như có sức "hút". Cảm nhận đầu tiên khi nhìn những hiện vật gần gũi, quen thuộc: cối xay, nong, nia, máy tuốt lúa… là dường như ngay lập tức tôi hình dung đến một thời khó khăn, vất vả, thiếu thốn của bố mẹ, ông bà và cả thế hệ chúng tôi.

Cùng với những cá nhân, cơ quan chuyên môn (ngành văn hóa - thể thao và du lịch) cũng rất quan tâm đến công tác sưu tầm, trưng bày, giới thiệu những hiện vật về một thời đã qua. Đầu năm 2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức trưng bày chuyên đề "Dấu ấn thời bao cấp của nhân dân Hà Nam" tại Bảo tàng tỉnh. Đây là dịp để mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ hiểu thêm về nỗi vất vả, khó khăn, thiếu thốn trong lao động, sản xuất cũng như trong đời sống sinh hoạt của mỗi gia đình thời bao cấp. Nội dung trưng bày "Dấu ấn thời bao cấp của nhân dân Hà Nam" được bố trí theo phương pháp sắp đặt, với gần 300 hiện vật và những hình ảnh, số liệu minh họa tái hiện không gian sinh hoạt của những gia đình người dân thời bao cấp giai đoạn 1976 - 1986 với các không gian: Phòng khách, phòng ngủ, gian bếp, cửa hàng mậu dịch, hợp tác xã nông nghiệp, không gian cửa hàng cho thuê truyện, báo, tạp chí... Trưng bày chuyên đề còn dành một không gian lớn khu vực ngoài trời để giới thiệu những nông cụ, ngư cụ… giúp khách tham quan  dễ dàng hình dung về nhịp sống lao động ở một giai đoạn lịch sử quan trọng trong quá trình phát triển của quê hương, đất nước.

 Việc sưu tầm, trưng bày, giới thiệu hiện vật thời xưa là một việc làm có ý nghĩa thiết thực, giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu rõ và biết trân trọng hơn những thành quả lao động, chiến đấu của cha ông, từ đó nhân lên niềm tự hào cũng như trách nhiệm góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Lê Dũng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy