Tâm sự của những bậc cha mẹ có con tự kỷ

Các bậc cha mẹ đều mong con mình phát triển bình thường, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, biết đỡ đần công việc gia đình, sau những buổi học ở trường mang điểm chín, điểm mười về nhà. Điều ao ước ấy có thể là rất bình dị với người này nhưng đôi khi lại quá xa vời với một số cha mẹ khác, nhất là những gia đình có con bị tự kỷ.

Sắp bước vào lớp một nhưng bé M. con chị H. (phường Liêm Chính, TP. Phủ Lý) không nói được nhiều mà la hét là chính. M. không bao giờ để ý đến việc bố mẹ trao đổi, chỉ lẳng lặng nghịch một mình, không chia sẻ đồ chơi với em và những người bạn. Thích cái gì là bất chấp nguy hiểm lao tới tìm cách giành lấy. Bé đập vỡ, làm hỏng vật dụng là chuyện thường. Hầu như vợ chồng chị H. chẳng đi được đến đâu. Có về quê nội, ngoại thì vợ chồng phải cắt cử nhau trông nom cháu.

Chị H. tâm sự: Lúc mới sinh, những tháng đầu M. khóc suốt. Năm, bẩy tháng tiếp theo cháu vẫn la khóc nhiều, báo hiệu về tình trạng không bình thường. Năm tháng trôi qua, cháu không để ý đến cảm xúc của cha mẹ cũng như những lời yêu thương của ông bà. Hơn một tuổi trẻ con hàng xóm bập bẹ gọi bà, gọi mẹ trong khi cháu vẫn lặng thinh. Không vừa ý điều gì cháu hét lên. Lên ba, bốn cháu hầu như không nói được gì.

Khi nhận thấy con không bình thường, tìm hiểu qua phương tiện thông tin đại chúng biết con mắc chứng tự kỷ, vợ chồng chị rất buồn, đành phải gửi cháu tới cô giáo dạy riêng. Hiện thi thoảng cháu nói được một vài câu ngắn nhưng vẫn chưa chú ý đến cảm xúc, suy nghĩ của cha mẹ và những người xung quanh. Vì cháu không để ý đến cảm xúc và chỉ biết nghịch theo những gì cháu thấy nên trông nom rất mệt. Nhiều khi vợ chồng cãi vã nhau cũng chỉ vì con. Không khí gia đình vì thế rất nặng nề, chẳng mấy khi có tiếng cười. 

Giúp trẻ tự kỷ nhận biết mọi thứ xung quanh tại Trường Mầm non chuyên biệt Ánh Dương (TP. Phủ Lý). Ảnh: Lương Hồi

Khi sinh K. ra chị M. (phường Trần Hưng Đạo, TP.Phủ Lý) không nghĩ con mình mắc chứng tự kỷ. Cháu rất ngoan, hầu như chẳng bao giờ quấy khóc và càng lớn gương mặt càng khôi ngô, sáng sủa, gặp cháu ai cũng khen.

Tuy nhiên, K. hầu như chẳng bao giờ trò chuyện, tiếp xúc với ai. Đi ra ngoài K. chỉ chú ý đến những gì cháu thích. Kể cả cha mẹ, người thân có gọi cháu cũng không để tâm. Đi học, K. chẳng bao giờ trò chuyện với bạn, sự tiếp thu có hạn, cháu chỉ tập trung làm những gì thích.

Trước đây, chị M. cho rằng con mình chỉ là chậm chạp chưa chú ý, nhưng khi quan sát con và chị lờ mờ nhận ra con mắc chứng tự kỷ, chị buồn vô cùng. Chị đưa con đi Hải Phòng, Hà Nội chữa trị và đây là những tháng ngày vất vả, mệt mỏi, thấm đẫm nước mắt.

"Nhiều khi phải bỏ công việc theo con để mong con tiến bộ nhưng hầu như chẳng bao giờ cháu chú ý đến cảm xúc của những người xung quanh." Chị M. tâm sự.

Qua nhiều năm kiên trì hướng dẫn, giờ cháu đã để ý đến người lớn nói gì. Sau thời gian dài cho con học ở Hà Nội, vào một ngày rất mệt mỏi chị nằm trên giường và K. vẫn loay hoay nghịch một mình như mọi khi. Chị vô thức nhờ con mang cho chai nước và cũng không mong con đáp ứng nhưng thật bất ngờ cháu đã lấy nước mang lại cho mẹ. Chị cảm thấy sung sướng hạnh phúc vô cùng, ôm con vào lòng mà khóc nức nở bởi chưa bao giờ chị hạnh phúc như vậy.

 Khi K. dần biết đến những yêu cầu, cảm xúc của cha mẹ, người thân, chị vui lắm. Nhiều khi thấy những đứa trẻ khác về nhà chưa đạt điểm giỏi mà cha mẹ la mắng, chì chiết, dọa dẫm mà chị thấy buồn. Với chị, chỉ mong con là người bình thường nhưng biết thấu hiểu tình yêu cha mẹ, biết làm những việc bình thường đã là hạnh phúc lắm rồi.

Qua đôi điều tâm sự của một số bậc phụ huynh có con tự kỷ mới càng biết thêm, hiểu thêm những vất vả, thiệt thòi mà họ đang gánh chịu. Với họ, cùng với niềm ao ước cháy bỏng còn luôn có một nỗi lo canh cánh trong lòng, đó là làm sao đứa con thân yêu của mình có thể hòa nhập với những trẻ bình thường khác và luôn nhận được sự cảm thông, chia sẻ từ cộng đồng.     

Nguyễn Hằng

Nguyễn Hằng, Thế Trang

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy