Những kỹ sư trẻ yêu nghề nông

Thực tế hiện nay, có rất nhiều thanh niên nông thôn cố gắng học tập, thi đỗ đại học với mong muốn bám trụ ở Thủ đô hay những thành phố lớn để làm ăn, sinh sống. Nhưng cũng có không ít bạn trẻ vì muốn gắn bó với đồng đất quê hương đã từ chối làm việc ở chốn thị thành trở về quê làm nông dân sau khi tốt nghiệp đại học.

Đặng Xuân Cường, thôn 5, xã Phù Vân và Lê Minh Thắng, phường Lê Hồng Phong (thành phố Phủ Lý) là 2 trong số đó.

Cách đây 2 năm, sau khi tốt nghiệp Khoa Cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đặng Xuân Cường, thôn 5, xã Phù Vân rời chốn thị thành trở về quê hương phát triển nghề trồng hoa. Đây cũng là công việc mơ ước của Cường từ khi em còn nhỏ.

Qua trò chuyện với Cường được biết, sinh ra và lớn lên ở làng hoa truyền thống Phù Vân nhưng vì thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nên trước đây gia đình Cường không phát triển nghề này. Bố mẹ Cường từng phải đi làm thuê tại các địa phương khác trong tỉnh để có thu nhập nuôi hai anh em Cường ăn học.

Với mong ước sẽ xây dựng được một mô hình trồng hoa quy mô cho gia đình, Cường đã quyết tâm thi đỗ vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Sau khi ra trường, Cường tự tin mang vốn kiến thức về kỹ thuật trồng trọt đã được học trên giảng đường trở về quê cùng gia đình phát triển nghề trồng hoa.

Sau khi tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam, kỹ sư trẻ Đặng Xuân Cường,  xã Phù Vân (TP.Phủ Lý) đã về quê phát triển nghề trồng hoa.

Để có vốn làm ăn, Cường phải vay vốn ngân hàng, thuê đất ruộng của các hộ dân tại xã, mua giống hoa, cây cảnh, phân bón... để triển khai mô hình trồng hoa, cây cảnh.

Theo Cường, không có kiến thức nào bằng kinh nghiệm đúc rút ra từ thực tiễn sản xuất, vì vậy, trong năm đầu tiên triển khai, Cường bàn bạc với gia đình rồi quyết định chỉ trồng hoa cúc kết hợp trồng thêm vài trăm gốc quất và đào. Bởi theo Cường, hoa cúc tuy không cho thu nhập cao nhưng lại là loại hoa truyền thống, dễ bán hơn so với những giống hoa khác.

Năm đầu triển khai, mô hình trồng hoa với diện tích 9 sào của gia đình Cường đã mang lại nguồn thu nhập gần 200 triệu đồng. Nói về định hướng phát triển, Cường cho biết: Thời gian tới, em sẽ tiếp tục nghiên cứu thị trường, đi tham quan, học tập kinh nghiệm một số mô hình trồng hoa công nghệ cao ở Hưng Yên, Hà Nội, Nam Định… để có thể tự nhân giống hoa cúc, trước mắt là đáp ứng đủ nhu cầu về giống hoa cho gia đình nhằm giảm bớt chi phí đầu vào. Đồng thời, phấn đấu mở rộng diện tích trồng hoa mỗi vụ để đưa vào sản xuất thêm một số giống hoa khác như: hoa hồng, đồng tiền, ly, lan... đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán.

Cũng tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam, với sự nhanh nhẹn, hoạt bát, ngay sau khi ra trường, Lê Minh Thắng, tổ 3, phường Lê Hồng Phong đã nhanh chóng được nhận vào làm tại Công ty Giống cây trồng Trung ương với tổng mức lương, thưởng gần 10 triệu đồng mỗi tháng. Đó là mức thu nhập mong ước của khá nhiều bạn trẻ khi mới vừa tốt nghiệp đại học.

Tuy nhiên, Thắng lại nộp đơn xin nghỉ việc chỉ sau một năm làm việc tại công ty để về quê làm nông dân. Chia sẻ về công việc của mình, Thắng cho hay: Ngày còn nhỏ, em đã rất thích hoa, thích trồng rau và cây cảnh. Em luôn ấp ủ ước mơ sẽ có một khu vườn sản xuất hoa của riêng mình. Vì thế, em quyết tâm theo học đúng chuyên ngành để sớm hiện thực hóa ước mơ đó.

Sở dĩ sau khi ra trường, em quyết định làm việc ở Công ty Giống cây trồng Trung ương một thời gian là để học hỏi kinh nghiệm, nghiên cứu thêm về giống, chủng loại cây trồng trước khi về quê phát triển kinh tế. Quyết định về làm nông dân của em ban đầu gia đình, bạn bè phản đối lắm. Nhiều người bảo em "chẳng giống ai" khi từ bỏ công việc đàng hoàng với mức lương cao tại một công ty danh tiếng ở Hà Nội để về quê ra đồng. Thế nhưng, với em chỉ cần được làm công việc mình yêu thích đã là niềm hạnh phúc lớn nhất rồi…

Với kiến thức học được trong những năm còn là sinh viên và thời gian công tác ở Hà Nội, cuối năm 2017, Thắng về quê thuê 5 sào đất ruộng ở xã Phù Vân để trồng thử nghiệm các loại rau sạch như su hào, rau cải.

Hiện anh đang cần mẫn học hỏi kinh nghiệm từ các chủ vườn hoa lớn ở trong và ngoài tỉnh để hướng tới đầu tư sản xuất hoa, đồng thời tranh thủ thời gian lên Hà Nội dịp cuối tuần học thêm ngành tài chính để có đủ kiến thức phục vụ cho việc sản xuất, kinh doanh sau này. Được biết, Thắng đang triển khai cải tạo đất để chuẩn bị đưa vào trồng một số giống hoa hồng cổ - loại hoa chủ lực trong định hướng phát triển sản xuất của anh.

Ngày nay, khi các công ty, doanh nghiệp mở ra ngày một nhiều, cơ hội về việc làm cũng dễ dàng hơn so với những năm trước. Thế nhưng, không ít những chàng trai trẻ "thế hệ 9X" như Cường và Thắng lại từ chối cơ hội làm việc bàn giấy để hằng ngày cầm cuốc bám đồng.

Họ thực sự là những kỹ sư trẻ tâm huyết với đồng ruộng, biết đầu tư làm ăn bài bản, quy mô. Dù hiệu quả kinh tế chưa thể khẳng định sau một, hai vụ sản xuất nhưng điều khiến nhiều người cảm phục là ở họ tràn đầy nhiệt huyết, niềm đam mê và tình yêu với công việc nhà nông, cùng với đó là khát vọng, niềm tin thành công khi tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ.

Nguyễn Oanh

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy