kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Làm gì để phòng, tránh tai nạn thương tích cho trẻ em?

Làm gì để phòng, tránh tai nạn thương tích cho trẻ em?

Theo thống kê từ ngành chức năng, mỗi năm, trên địa bàn tỉnh ta có hàng trăm trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó không ít trường hợp trẻ bị tử vong. Tai nạn giao thông, đuối nước, tai nạn trong quá trình học tập và sinh hoạt… là dạng tai nạn phổ biến, chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các ca tai nạn thương tích trẻ em thời gian qua. Hậu quả để lại sau tai nạn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, cuộc sống, học tập của các em; thậm chí cho cả gia đình và xã hội. Vì vậy, cần nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội để có thể kiềm chế tốt hơn những rủi ro cho trẻ em.

Nhiều trẻ em được hỗ trợ di chuyển ra khỏi vùng ngập lụt ở thị trấn Kiện Khê sáng 14/9. Ảnh:Lê Dũng

Một chút sơ sẩy, hậu quả nặng nề…

Vào khoảng 19h ngày 5/6/2024, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận một ca cấp cứu tai nạn giao thông. Nạn nhân là em Nguyễn Huy H. (sinh năm 2009, ở thôn Đông, xã Khả Phong, huyện Kim Bảng), nhập viện trong tình trạng đa chấn thương. Sau khi cấp cứu ổn định, em được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức để điều trị tiếp. Cũng ngay trong buổi tối ngày 5/6, em Trần Thị Thảo C. (sinh năm 2012, ở phường Trần Hưng Đạo, thành phố Phủ Lý) cũng được đưa vào viện trong tình trạng bị thương tích do tai nạn giao thông. Hai trường hợp vào khoa cấp cứu chỉ cách nhau hai giờ đồng hồ và đều là trẻ em.

Trước đó, vào ngày 31/5/2024, cũng trong vòng hai giờ đồng hồ, từ 19h50 phút đến 21h 50 phút, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận liên tiếp 3 trường hợp bị tai nạn giao thông. Trong đó, bệnh nhân nhỏ nhất sinh năm 2016, lớn nhất sinh năm năm 2010. Rất may, các em chỉ bị thương nhẹ, nhanh chóng được sơ cứu và xin ra viện…

Chỉ tính riêng trong tháng 5/2024, Bệnh viện Đa khoa Hà Nam đã tiếp nhận, cấp cứu và điều trị cho 20 trường hợp bệnh nhân là trẻ em do tai nạn thương tích; trong đó, có 15 trường hợp tai nạn giao thông, 5 trường hợp tai nạn trong quá trình sinh hoạt thường ngày.

Theo các y, bác sỹ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trẻ em bị tai nạn thương tích được đưa vào bệnh viện cấp cứu, điều trị rất đa dạng về nguyên nhân gây thương tích và mức độ thương tích, trong đó chủ yếu là tai nạn giao thông; lứa tuổi từ 8 đến 15 chiếm tỉ lệ nhiều nhất. Hậu quả tai nạn gây ra đối với nhiều trường hợp khá thương tâm; có một trường hợp đã tử vong trên đường đến viện vào ngày 11/2/2024.

Thầy giáo Trần Thế Vinh, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp huyện Bình Lục cho rằng, đa số trẻ bị tai nạn giao thông đều trong thời gian đi học, phải qua các tuyến giao thông có mật độ xe cộ nhiều, lưu thông phức tạp, như quốc lộ 1A, 21A, 21B, 38… Nguyên nhân gây tai nạn thì rất nhiều, nhưng cơ bản vẫn là do các cháu chưa có kỹ năng điều khiển tốt các phương tiện giao thông khi tham gia giao thông, nhất là trên các tuyến giao thông đông đúc. Có những trường hợp trẻ bị tai nạn do chính cha mẹ hoặc người thân chở. Chỉ sơ sẩy một chút trong quá trình tham gia giao thông, các cháu có thể sẽ bị tai nạn và hậu quả để lại sau mỗi lần tai nạn đều đáng quan tâm.

Cần có sự vào cuộc từ nhiều phía

Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ đầu năm đến ngày 25/8/2024, đơn vị đã tiếp nhận gần 100 trường hợp tai nạn thương tích trẻ em, trong đó có 43 trường hợp tai nạn giao thông, 15 trường hợp tai nạn sinh hoạt và các trường hợp tai nạn khác. Bên cạnh đó, còn nhiều trường hợp trẻ bị tai nạn thương tích được đưa đến các cơ sở y tế khác, chưa được thống kê đầy đủ. Thực trạng này cho thấy, các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng và các gia đình, nhà trường cần tăng cường các biện pháp phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ; nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em ngay tại lớp học và cộng đồng.

Cô giáo Trần Thị Mai, Hiệu trưởng Trường THCS Duy Hải, thị xã Duy Tiên chia sẻ: Việc để trẻ bị tai nạn thương tích có trách nhiệm của gia đình và nhà trường. Nếu những trường hợp bị tai nạn thương tích tại trường học, trách nhiệm của nhà trường chính là chưa tạo được môi trường học tập và vui chơi an toàn cho các em. Công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho học sinh về nguy cơ tai nạn và ý thức trong việc  phòng ngừa tai nạn thương tích còn hạn chế. Trường THCS Duy Hải nhiều năm qua rất ít xảy ra các vụ tai nạn thương tích tại nhà trường, bởi lẽ khuôn viên trường học được xây dựng, bố trí hợp lý, khoa học, bảo đảm môi trường học tập và vui chơi an toàn cho học sinh. Những nội dung về tai nạn thương tích trẻ em luôn được chuyển tải đến học sinh thông qua các tiết học ngoại khóa hoặc lồng ghép trong các môn học.

Việc nâng cao trách nhiệm bảo đảm an toàn cho các em ở ngoài nhà trường, trong gia đình hiện nay rất đáng quan tâm. Bởi lẽ, trong số các vụ tai nạn thương tích ở trẻ xảy ra chủ yếu diễn ra ở khu vực ngoài trường học. Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ học sinh là công nhân ở các nhà máy, khu công nghiệp, làm việc cả ngày tại công ty nên phải để con cái tự chủ động đi học. Việc để các em tự điều khiển phương tiện giao thông, nhất là trên các tuyến đường có mật độ giao thông phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao. Bên cạnh đó, khi cha mẹ vắng nhà, các em chơi đùa không có sự kiểm soát của người lớn cũng dễ gặp tai nạn trong sinh hoạt như: đuối nước, bỏng, ngã, bị súc vật hoặc côn trùng cắn... Đơn cử như vụ cháu bé 5 tuổi bị đuối nước xảy ra ở xã Bình Nghĩa (Bình Lục) vài năm trước. Khi cha mẹ đi làm, bé ở nhà chơi và bị đuối nước ngay trong bể chứa nước sinh hoạt của gia đình, không được phát hiện kịp thời dẫn đến tử vong. Hoặc cũng có trường hợp bị tai nạn do chơi đá bóng ở nhà, bóng đập vào cửa làm vỡ kính và gây thương tích.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các ngành chức năng và chính quyền địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Tháng 6 hằng năm được chọn là Tháng hành động vì trẻ em. Đây là thời điểm trẻ em nghỉ hè, nguy cơ tai nạn thương tích tăng cao khi trẻ em tham gia các hoạt động vui chơi, sinh hoạt ở gia đình, cộng đồng dân cư. Chỉ khi nào gia đình quan tâm đến sự an toàn của con em mình; tại địa bàn dân cư có những hoạt động thiết thực, tạo sân chơi bổ ích cho trẻ thì mới hạn chế được tai nạn thương tích. Mỗi gia đình hãy xây dựng ngôi nhà an toàn cho trẻ, để trẻ được sống trong sự chăm lo, giáo dục lành mạnh, không tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn, thương tích.

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy