Dạy trẻ cách phòng thân

Từ trước đến nay, giáo dục giới tính cho trẻ luôn là đề tài nhạy cảm, ít được nhắc đến. Tuy nhiên, đây là việc làm cần thiết giúp bảo vệ trẻ trước nguy cơ bị xâm hại.

Quan tâm từ gia đình

Thời gian qua, tình trạng quấy rối, xâm hại tình dục trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp. Tại Hà Nam, trong 5 năm đã xảy ra 69 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Các vụ xâm hại tình dục trẻ em trong tỉnh hầu hết xảy ra trong điều kiện đối tượng lợi dụng lúc trẻ không có người lớn bên cạnh để tiến hành hành vi phạm tội. Điều này đặt ra yêu cầu bức thiết, đòi hỏi các bậc phụ huynh cần chủ động trang bị kiến thức cho con em và chính bản thân mình.

Để giúp trẻ có thể tự bảo vệ mình khỏi những kẻ xấu thì bố mẹ nhất định phải dạy cho con các kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Ảnh minh họa

Ngày trước, dù lo lắng cho con đến mấy, các bậc cha mẹ cũng chỉ dừng lại ở những lời dặn dò như: "Không mở cửa cho người lạ", "Không đi với người lạ", hay "Không đi chơi một mình nếu không có người lớn"… Tuy nhiên, ngày nay,  những lời dặn trên có vẻ chưa đủ để bảo vệ con trẻ. Ý thức được điều này, nhiều phụ huynh đã tự học kiến thức qua các kênh truyền thông đại chúng và chú tâm đến trẻ nhiều hơn. Chị Nguyễn Thị Minh Trang (phường Hai Bà Trưng, TP.Phủ Lý) chia sẻ: Bản thân tôi cũng ít khi nhắc đến đề tài này trước mặt con vì nghĩ con còn quá bé, chưa thể hiểu hết. Tuy nhiên, qua nghe tin tức về những vụ xâm hại, tôi nhận ra cần phải trang bị cho con những hiểu biết cơ bản nhất, để con có thể chủ động phòng tránh khi không có cha mẹ bên cạnh. Được biết, con chị đang học tiểu học, không quá bé để quên lời mẹ dặn nhưng cũng chưa đủ lớn để nhận biết những điều phức tạp khác. Vì vậy, ngoài chú ý cách ăn mặc, chị còn dành thời gian tâm sự với con, nghe con kể về những việc diễn ra trong ngày, chia sẻ với chị những khó khăn, suy nghĩ, động viên con nói ra những vướng mắc gặp phải. Đồng thời, đăng ký cho con lớp học võ thuật nhằm vừa rèn luyện sức khỏe, vừa phòng thân.

Cùng quan điểm như chị Trang, chị Đào Thị Hoan (Liêm Chung, TP. Phủ Lý) cho rằng: Trẻ con ngày nay tiếp cận với công nghệ thông tin rất nhanh, trong khi đó Internet vốn là con dao hai lưỡi, các con dễ xem phải những thứ không lành mạnh. Cho nên, chị chỉ cho con chơi những trò chơi đơn giản bằng điện thoại của mình, không như nhiều gia đình khác, mua cho con điện thoại thông minh quá sớm. Các con còn nhỏ, chưa ý thức được phải quản lý bản thân ra sao, tiếp xúc với mạng xã hội sớm quá không tốt. Bên cạnh đó, qua nhiều vụ xâm hại trẻ nhỏ cho thấy có cả những "tên yêu râu xanh" là người quen của nạn nhân. Vì vậy, cha mẹ cần dạy trẻ cách ứng phó phù hợp với nhiều tình huống. Ở đây không phải vấn đề niềm tin mà là để an toàn cho con. Chị cũng đăng ký cho con học võ để tự vệ, phòng thân.

Học võ đang là phương pháp được nhiều bậc phụ huynh tin dùng cùng với việc dạy trẻ những kiến thức cơ bản về giới tính. Tại sân Nhà Thiếu nhi tỉnh (TP. Phủ Lý), khoảng 5 - 7 giờ tối hằng ngày luôn có 2 - 3 lớp võ thuật. Theo thầy Nguyễn Đức Toản, vài năm gần đây số lượng trẻ học võ (nhất là bé gái) đông hơn. Không chỉ tập trung vào hè, học viên đăng ký học cả năm. 2 giờ học võ cũng coi như rèn luyện sức khỏe sau một ngày đến trường. Các bài võ dạy cho trẻ luôn theo tiêu chí tự vệ, tăng sức bền cơ thể. Trong buổi học, giáo viên hướng dẫn sẽ tạo tình huống giả định để các em có thêm kiến thức, phản ứng nhanh nhạy khi gặp kẻ xấu.

Hành động từ các đoàn thể xã hội

Từ năm 2016 đến nay, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, ngành Công an… phối hợp với các tổ chức xã hội khác thường xuyên tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, cách chăm sóc tuổi dậy thì cho học sinh tại nhiều trường học trong tỉnh. Tại những buổi tuyên truyền, học sinh được tham gia các hoạt động và trò chơi lồng ghép thông điệp với nội dung về giới tính, sức khỏe sinh sản, phòng tránh xâm hại tình dục. Phương pháp học tập không phải là cuộc nói chuyện khô khan mà bằng những trò chơi sôi động, hào hứng, qua đó giúp các em dễ tiếp thu kiến thức về cấu tạo cơ quan sinh dục nam, nữ; thay đổi của cơ thể khi đến tuổi dậy thì; nhận biết các điểm nhạy cảm trên cơ thể; nhận biết nguy cơ và cách phòng tránh xâm hại tình dục. Thông điệp mà buổi tuyên truyền mang lại được các em ghi nhớ: Cơ thể em là đáng quý và nó là của em; phản kháng khi người khác chạm vào cơ thể mình; cảnh giác khi cảm nhận có dấu hiệu lạm dụng, xâm hại tình dục; chia sẻ thông tin với mọi người. Đây là những thông điệp vô cùng cần thiết bởi khi xảy ra sự việc xâm hại tình dục, các em thường giấu kín không nói với ai, tạo cơ hội cho kẻ xâm hại nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Các nhà trường cũng chủ động tăng cường thời lượng giáo dục giới tính cho học sinh thông qua giờ học chính khóa, ngoại khóa, với hình ảnh, minh họa sinh động, dễ hiểu, tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.

Với sự quan tâm của cha mẹ, sự chung tay góp sức của toàn xã hội, sự vào cuộc của cơ quan chức năng, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em sẽ ngày một hiệu quả, để các em được sống trong môi trường xã hội an toàn, phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần.

Thanh Vân

Thanh Vân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy