Dần từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo

Những ngày qua, dư luận khá sôi nổi xung quanh việc thành phố Hà Nội vận động người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo. Ăn thịt những loài động vật thân thiết, gần gũi với con người như chó, mèo, ngoài gây phản cảm với khách quốc tế còn có nguy cơ mắc nhiều loại bệnh nguy hiểm.

Những năm qua, phong trào nuôi thú "cưng" khá phát triển, chủ yếu là nuôi chó, mèo; nhiều người dân, nhất là các bạn trẻ gần gũi, yêu quý những loài vật này hơn, từ đó không ăn và vận động những người xung quanh không ăn thịt chó, mèo.

Chị Nguyễn Thị Duyên ở phường Hai Bà Trưng, thành phố Phủ Lý chia sẻ, trước đây nhà chị thi thoảng vẫn ăn thịt chó. Nhưng từ khi cô con gái được người bác ở Hà Nội cho một con chó cảnh để nuôi, cháu rất yêu quý con vật và kiên quyết không ăn thịt chó nữa. Không những thế cháu còn "gây sức ép" để bố mẹ, ông bà không ăn thịt chó. Dần dần nhà chị không ăn thịt chó nữa.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, với không ít người, thịt chó vẫn là món khoái khẩu. Anh Nguyễn Văn Vinh ở Thanh Nghị, Thanh Liêm đứng đầu một đội thợ xây cho biết gần như tháng nào anh cũng tổ chức cho đội liên hoan thịt chó. Mua một con chó về, anh em tự làm và liên hoan, vừa rẻ, ngon, vui, thịt chó lại "sạch" vì người nuôi không dùng thức ăn tăng trọng. Ở thành phố Phủ Lý, trừ những ngày đầu tháng và rằm, còn lại, đặc biệt những ngày cuối tháng các quán thịt chó luôn đông người… Họ chọn thịt chó vì chế biến được nhiều món, cũng khá ngon, giá cả lại vừa phải.

Trên thế giới chỉ có các nước ở châu Á người dân có thói quen ăn thịt chó, mèo. Người phương Tây rất yêu quý chó, mèo, nuôi các con vật này trong nhà và coi như những người bạn thân thiết. Việc giết, ăn thịt chó, mèo gây phản cảm với khách quốc tế, đó là lý do thành phố Hà Nội tuyên truyền để người dân từ bỏ thói quen ăn thịt những con vật này.

Ngoài lý do ảnh hưởng đến hình ảnh, việc giết, chế biến, ăn thịt chó, mèo có nhiều nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm. Trao đổi với ông Nguyễn Thanh Dương, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được biết, trong mấy tháng vừa rồi mỗi ngày có khoảng chục người đến trung tâm tiêm phòng bệnh dại. Mặc dù đã có quy định về tiêm phòng bệnh dại định kỳ cho chó, mèo nhưng thực tế nhiều hộ không tiêm dẫn đến vẫn có nguồn bệnh dại trong chó, mèo. Khi nuôi, bắt, giết, chế biến, ăn thịt đều có nguy cơ cao nhiễm  bệnh dại.

Ngoài ra, còn có nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác khi làm thịt, chế biến, ăn thịt chó, mèo, như mắc giun, sán chó. Sán chó và ấu trùng cực kỳ nguy hiểm, gây tổn thương bất cứ vùng nào trong cơ thể mà nó xâm nhập vào. Ví dụ có thể gây mù mắt, tổn thương não, chèn ép dây thần kinh gây chứng điên loạn, xâm nhập các cơ quan nội tạng như gan, lách gây nhiễm trùng làm suy yếu sức khỏe, tử vong. Hoặc có thể lây vi khuẩn bệnh đường ruột như tiêu chảy, tả, lỵ,...

Chó tuy không nuôi thức ăn tăng trọng nhưng cũng phải tiêm khá nhiều loại thuốc như vắc-xin phòng dại, kháng sinh,… hàm lượng của vắc-xin phòng dại tồn dư trong thịt chó rất cao. Theo một bác sỹ, dư lượng vắc-xin trong thịt chó của một con chó 3-4 tuổi đủ sức gây yếu, liệt thần kinh trung ương theo thời gian. Ngoài ra tình trạng bắt trộm chó, đánh bả chó vẫn diễn ra. Khi ăn phải những con chó bị đánh bả, người ăn thịt cũng bị nhiễm độc.

Hàm lượng đạm trong thịt chó rất cao. Những người từ tuổi trung niên trở lên nếu ăn nhiều, lượng đạm dư thừa sẽ gây ra nhiều loại bệnh. Một số người bị bệnh cơ thể yếu cũng không thể ăn nhiều thịt chó vì lượng đạm cao, khó tiêu hóa.

Hạn chế, bỏ thói quen ăn thịt chó là một xu hướng đã và đang được nhiều người ủng hộ.

Yên Chính

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.