Chuyện xích lô “về chiều”

Ngày trước, khi các phương tiện chuyên chở hàng hóa còn thưa thớt, chiếc xích lô gần như trở thành “cần câu” giúp nhiều người mưu sinh. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, xích lô đang dần “vắng bóng”, cũng chẳng còn mấy “chân đạp” cố bám nghề.

Vốn tập trung rất đông trên đường Lê Hoàn và chợ Bầu (TP. Phủ Lý), nhưng hiện tại, lượng xích lô không còn nhiều như trước. Có lẽ đơn giản vì loại phương tiện “đồ cổ” này đã không còn phù hợp với thời đại mà người ta yêu cầu: nhanh, gọn, tiện dụng.

65 tuổi, bác Đặng Ban (thôn Bằng Khê, xã Liêm Chung, TP. Phủ Lý) là “chân đạp” kỳ cựu, có thâm niên hơn 30 năm trong nghề. Đến nay, các con bác đã lớn, tự lập về kinh tế nên không muốn bố vất vả, muốn bác ở nhà nghỉ ngơi, nhưng ngày ngày bác vẫn xuất hiện ở khu vực chợ Bầu và chợ Quy Lưu vì “nhớ nghề”.

Bác Ban kể: “Ngày trước, công việc của tôi bắt đầu từ 3h30 sáng tại chợ Bầu và kết thúc khi mặt trời khuất bóng, thậm chí có ngày 21-22 giờ mới về đến nhà. Thời gian đó là thời kỳ hoàng kim của nghề xích lô, vì không có nhiều xe máy, xe bán tải, xe ba gác như bây giờ. Vất vả lắm, bù lại khách thuê đông, nhờ vậy thu nhập cũng khá, đủ nuôi 2 đứa con ăn học đàng hoàng.

Những người còn gắng gượng với nghề xích lô đều nhờ mối khách quen đã xây dựng từ mấy chục năm.

Đồng nghiệp của bác Ban là bác Trần Hữu Định (Thượng Tổ 2, Thanh Châu, TP. Phủ Lý) cũng có gần 20 năm lăn lộn với nghề. Hoàn cảnh gia đình bác không mấy khá giả, 3 người con thì 1 người bị bệnh mất, 2 người còn lại không khiến bác bớt lo, nên giờ ở tuổi 60, bác vẫn “đóng chốt” ở khu vực công viên Nam Cao (đường Lê Hoàn, TP. Phủ Lý) hoặc cầu Phù Vân chờ người thuê.

Bác Định chia sẻ: Cái đống sắt “già cỗi” này không được người ta ưa chuộng nữa, nhiều lần tôi cũng muốn chuyển nghề, nhưng già rồi, chẳng ai thuê, có ngày được 2-3 cuốc đã thấy “phất” lắm rồi. Dịp Tết, cả tuần tôi trực chờ ở chợ hoa, chở cây cảnh cho người ta cũng kiếm được chút đỉnh. Vì sau một thời gian chuộng xe máy, xe cải tiến, nhiều người lại quay về thuê xích lô chở cây cảnh, bởi xích lô đi chậm, không bị gió tạt, hoa, quả rụng ít hơn. Giờ tôi chỉ mong trời cho sức khỏe để tiếp tục làm việc, kiếm đồng ra, đồng vào.

Không như nhiều thành phố lớn, xích lô ở TP. Phủ Lý chủ yếu chỉ chở hàng, không chở khách nên trông khá “tã”. Màu sơn bong tróc nhạt nhòa, gỉ sét, lốp xe nhẵn thín sau bao ngày tháng bám mặt đường.

Bác Nguyễn Cảnh Lâm (đường Lê Lợi, TP. Phủ Lý), một “chân đạp” còn gắng gượng với nghề vui vẻ khoe: “Con xích lô này đã lên đời F5 rồi, toàn bộ đều do tôi sửa và cải tiến, vì xưa nay ở đất này có tiệm sửa chữa xích lô đâu, nếu có, tôi cũng không có tiền mang đi sửa. Từ thay yên, tra dầu, thay ốc, sửa phanh, chỉnh giảm xóc đến dùng bánh răng, ổ líp của xe đạp, xe máy cũ chế cho “con” xích lô đã đến tuổi “lụ khụ” này, gì tôi cũng có thể làm”.

Mà quả thật, “con” xích lô của bác Lâm khá lạ. Phần yên xe đen bóng, loang lổ vết xước, có kết cấu đơn giản với chiếc phanh tay nằm ngay phía dưới qua một chiếc vòng sắt để người lái có thể kéo lên mỗi khi muốn giảm tốc độ hoặc dừng xe, được bác Lâm cải tiến, lắp thêm bộ phận điều chỉnh chiều cao. Vì như bản thiết kế gốc, yên xe rất cao, những người “thiếu thước tấc” rất khó đạp được hết vòng và tốn sức. Phần để chân cũng không cong như những chiếc xích lô thông thường để phù hợp với nhiệm vụ chuyên chở hàng nặng, phần để chân này bị bác Lâm tháo ra, thay bằng song sắt phẳng, có thể tùy chỉnh chiều dài theo ý muốn.

Thời buổi khó khăn, không còn nhiều khách như ngày trước, nên ngoài đạp xích lô, bác Lâm lại ra chợ phụ giúp vợ buôn bán hoặc chở hàng cho những người buôn bán ở chợ. “Mỗi buổi cũng kiếm được khoảng 70.000 – 100.000 đồng nên thôi thì còn chạy được ngày nào hay ngày đó”, nói xong, bác Lâm rời đi với đơn hàng mới nhận là chiếc tủ gỗ cồng kềnh, đè ép lên chiếc xích lô “già nua”, cũ kỹ, đạp đến đâu lạo xạo đến đó.

Thanh Vân

Thanh Vân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy