Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các doanh nghiệp

Chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu và là giải pháp quan trọng, cấp thiết đối với từng ngành, lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Xác định rõ điều đó, thời gian qua, các sở, ngành, tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp đã quan tâm triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Đề án phát triển kinh tế số ngành công thương trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2030 xác định mục tiêu: Phát triển kinh tế số lĩnh vực công nghiệp nhằm tạo hiệu quả đột phá trong hoạt động ứng dụng công nghệ để phát triển sản xuất, kinh doanh, phân phối trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; giúp nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua phát triển các sản phẩm, dịch vụ tiên tiến, mô hình, phương thức kinh doanh mới; đổi mới mô hình tăng trưởng, mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa trong và ngoài nước, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng toàn ngành công thương. Phấn đấu, đến năm 2030, tỷ lệ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thực hiện hoạt động chuyển đổi số cơ bản đạt 70%.

Để đạt mục tiêu đề ra, thời gian qua, Sở Công thương đã tích cực phối  hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số; có chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực đạt mức độ chuyển đổi số cao, từng bước hình thành các doanh nghiệp số; triển khai nền tảng số kết nối doanh nghiệp sản xuất công nghiệp với các chuyên gia công nghệ, các nhà cung cấp giải pháp chuyên nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; tăng cường liên kết kinh doanh theo mô hình hợp tác tiên tiến giữa các doanh nghiệp sản xuất với đối tác trong nước và quốc tế để chia sẻ mạng lưới dịch vụ và tài nguyên dữ liệu, thông tin.

Những năm qua, Sở Công thương cũng đã tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ngành nghề truyền thống chuyển đổi số sang cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số, sản xuất thông minh, nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp; thực hiện cập nhật các dữ liệu thông tin về cụm công nghiệp, năng lực sản xuất mới của một số sản phẩm công nghiệp của tỉnh; duy trì thường xuyên hoạt động trang http://csdlcnht.hanam.gov.vn, thường xuyên cập nhật thay đổi thông tin doanh nghiệp, các thông tin khác trên hệ thống cơ sở dữ liệu công nghiệp hỗ trợ. Cùng với đó, triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án khuyến công nhằm hỗ trợ trang thiết bị, máy móc hiện đại, tiên tiến cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn…

Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Asi miền Bắc, KCN Châu Sơn, thành phố Phủ Lý đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong các khâu đóng gói, chia chọn, hoàn thiện sản phẩm.

Ông Lê Nguyên Ngọc, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Trong triển khai kế hoạch thực hiện Đề án phát triển kinh tế số ngành công thương đến năm 2030, Sở Công thương tập trung đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số lĩnh vực thương mại, công nghiệp, năng lượng. Riêng đối với lĩnh vực công nghiệp, giải pháp trọng tâm là hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng website để quảng bá sản phẩm, thương hiệu; hỗ trợ đầu tư công nghệ, máy móc để nâng cao tỷ lệ tự động hóa trong quản lý điều hành, sản xuất. Hằng năm, sở cũng tổ chức các lớp tập huấn về chuyển đổi số; kỹ năng marketing, bán hàng online cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn; hướng dẫn quy trình xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa điện tử cho doanh nghiệp… Đến nay, Hà Nam đã có hàng nghìn doanh nghiệp sử dụng các nền tảng số trong công tác quản lý, điều hành, sản xuất. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghiệp đã góp phần nâng tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của Hà Nam lên 13,25%, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Từ thực tế hoạt động của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay có thể thấy, nhiều doanh nghiệp ở cả khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước đã chuyển đổi số từ rất sớm, từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất từ thô sơ, lắp ráp sang sản xuất tập trung, tự động hóa thông minh hơn. Đơn cử như Công ty TNHH Wistron Infocomm, khu công nghiệp Đồng Văn III (Duy Tiên) - một trong những doanh nghiệp đi đầu về công nghệ, chuyên sản xuất, lắp ráp máy tính xách tay, máy tính để bàn, màn hình, bàn phím, webcam… Đây là những sản phẩm công nghệ cao đòi hỏi tính chính xác, quy chuẩn chất lượng nên Wistron Infocomm đã áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong nhiều khâu sản xuất, phân loại sản phẩm, vận chuyển hàng hóa; phát hiện lỗi sai của sản phẩm… Trong đó, nổi bật là sử dụng robot để thay thế con người trong thực hiện một số công việc như lấy hàng, nhận hàng ở đầu dây chuyền sản xuất, kiểm tra các chi tiết, nâng cao tính chính xác của sản phẩm.

Theo ông Tsai, Shang – Jan, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công ty TNHH Wistron Infocomm, việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại trong vận hành nhà máy đã giúp công ty nâng cao hiệu quả quản lý nhân sự, hàng hóa; làm giảm tỷ lệ lắp ráp bằng tay, nâng tỷ lệ tự động hóa trong nhà máy lên trên 60%. Năng suất, chất lượng được nâng lên, doanh thu của công ty không ngừng tăng cao qua các năm.

Với sự phát triển của công nghệ số, các dây chuyền tự động hóa cũng được ứng dụng ngày càng mạnh mẽ trong các khâu sản xuất của doanh nghiệp trong nước. Trong đó, nổi bật là đối với các ngành nghề như chế biến gỗ; sản xuất, chế biến thực phẩm, nông sản; cơ khí… Các doanh nghiệp đã nỗ lực cải tiến công nghệ, hệ thống máy móc để tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt nhất, giá cả cạnh tranh nhất. Ông Trần Bá Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Asi miền Bắc – doanh nghiệp chuyên sản xuất bánh kẹo phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu tại khu công nghiệp Châu Sơn (thành phố Phủ Lý) cho biết: Nếu như trước đây, nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất, hoàn thiện sản phẩm phải làm thủ công, tốn nhiều thời gian và nhân lực thì nay, Asi miền Bắc đã đầu tư ứng dụng công nghệ phần mềm trong việc kiểm kê, theo dõi lượng hàng hóa. Cùng với đó, tự động hóa trong dây chuyền đóng gói, vận chuyển hàng hóa. Chất lượng sản phẩm ngày càng được đảm bảo khi hệ thống máy móc đã kiểm soát tốt, hạn chế lỗi và hiệu quả sử dụng lao động ngày càng được nâng cao, tránh nhiều nguy cơ rủi ro trong sản xuất.

Tuy vậy, chuyển đổi số trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn do năng lực nội tại còn hạn chế. Hầu hết các doanh nghiệp trong nước đều là doanh nghiệp nhỏ nên năng lực về tài chính hạn hẹp. Trong khi đó, để đầu tư vào các công nghệ sản xuất mới cần có tài chính dồi dào và nguồn nhân lực chất lượng, am hiểu về chuyển đổi số. Trước những khó khăn của doanh nghiệp, trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án phát triển kinh tế số ngành công thương trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2030. Trong đó, quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên về chuyển đổi số nhằm mục đích nâng cao nhận thức về việc chuyển đổi số cho doanh nghiệp; phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ thông tin tổ chức tập huấn, tạo cầu nối giữa các doanh nghiệp với nhau để thông qua đó, các doanh nghiệp có thể học hỏi lẫn nhau, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, áp dụng các mô hình quản lý nhà máy thông minh trong quá trình sản xuất và quản lý doanh nghiệp...

Hân Hân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy