Thảo luận đề án sắp xếp, tinh giản đầu mối các cơ quan khối chính quyền

Sáng 23/3, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Xuân Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã diễn ra phiên họp UBND tỉnh thảo luận các đề án: Sắp xếp, tinh giản đầu mối các cơ quan tham mưu giúp việc các cơ quan khối chính quyền; Sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu tham dự phiên họp.

Đề án sắp xếp, tinh giản đầu mối các cơ quan tham mưu giúp việc các cơ quan khối chính quyền và đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh xây dựng nhằm thực hiện Nghị quyết số 18, 19 ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, đồng thời thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII).

Các đề án được xây dựng trên cơ sở thực tiễn của địa phương và tập trung hướng tới mục tiêu tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả, hiệu lực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương, đồng thời đổi mới căn bản, toàn diện, đồng bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo tinh gọn có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, hoạt động hiệu quả, giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp; phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công và thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế khác tham gia phát triển dịch vụ sự nghiệp công.

Theo đó, về sắp xếp, tinh giản đầu mối các cơ quan khối chính quyền, sẽ triển khai thực hiện và hoàn thành trong năm 2018. Trong đó, tập trung rà soát, sắp xếp phân cấp quản lý các đơn vị trên địa bàn cấp huyện thuộc các ngành: Tài nguyên & Môi trường; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; giáo dục đào tạo; nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Đồng thời rà soát, sắp xếp lại cơ cấu bên trong tất cả các sở, ngành, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh theo hướng sáp nhập các phòng, ban, bộ phận chuyên môn của từng đơn vị; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính, hoàn thành và nâng cấp chất lượng hoạt động Trung tâm hành chính công các huyện, thành phố, liên thông với các xã, phường, thị trấn; thực hiện thí điểm việc kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu hoặc hợp nhất một số cơ quan chuyên môn có nhiệm vụ tương đồng tại cấp tỉnh, cấp huyện; rà soát, sắp xếp các Ban Quản lý dự án chuyên ngành và Ban quản lý dự án khu vực theo hướng tinh gọn, hiệu quả; rà soát quy mô và đề xuất chủ trương sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã và các thôn, tổ dân phố chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định hoặc tăng quy mô để tinh giản đầu mối; xây dựng thí điểm mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư, thôn, tổ, tổ dân phố; tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế…

Phấn đấu đến năm 2021, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong của từng tổ chức theo hướng tinh giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó; sắp xếp thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên và giảm số lượng thôn, tổ dân phố; giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015.

Về sắp xếp, tổ chức lại  các  đơn vị sự nghiệp, hiện toàn tỉnh có 598 đơn vị, như vậy số lượng đầu mối các đơn vị sự nghiệp còn nhiều mặc dù thời gian qua tỉnh đã quan tâm thực hiện việc xây dựng quy hoạch mạng lưới, sắp xếp, kiện toàn, sáp nhập, giải thể các đơn vị sự nghiệp. Chính vì vậy, đề án xác định cần tiếp tục giảm mạnh đầu mối; đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập… Các lĩnh vực cần tập trung triển khai thực hiện gồm: giáo dục đào tạo; y tế; văn hóa, thể thao, du lịch; lao động thương binh & xã hội và các lĩnh vực sự nghiệp khác, thời gian thực hiện và hoàn thành trong năm 2018 và 2019.

Thảo luận, cho ý kiến vào hai đề án, các đại biểu bày tỏ sự đồng tình với quan điểm chỉ đạo cũng như mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp đề ra của các đề án, đồng thời thể hiện quyết tâm chính trị cao trong tổ chức thực hiện đề án và đề xuất một số nội dung: Cần xem xét, điều chỉnh, làm rõ một số nội dung liên quan đến: căn cứ pháp lý xây dựng đề án; giải pháp thực hiện; quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; các mô hình làm thí điểm; thời gian tiến độ thực hiện của một số đơn vị; cách thức thực hiện cũng như vai trò trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện các đề án.

Một số ý kiến cho rằng, để thực hiện có hiệu quả hai đề án, nên thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án cấp tỉnh; việc tinh giản đầu mối các cơ quan khối chính quyền cần đảm bảo chất lượng bên trong; trong rà soát, sáp nhập các đơn vị, nếu thấy cần thiết nên thực hiện tinh giản biên chế. Để đảm bảo tính pháp lý chặt chẽ, nên xây dựng đề án riêng về sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã và các thôn, tổ dân phố để tinh giảm đầu mối; việc tinh giản đầu mối cần tăng cường tự chủ…

Đồng chí Nguyễn Xuân Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận phiên họp.

Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Nguyễn Xuân Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (Khóa XII) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm phải quyết tâm thực hiện có hiệu quả. Các đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản đầu mối các cơ quan khối chính quyền có ý nghĩa hết sức quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, vì vậy, đồng chí đề nghị Sở Nội vụ - cơ quan soạn thảo- tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại phiên họp để tiếp tục điều chỉnh, sớm hoàn thiện đề án theo hướng ngắn gọn, súc tích, rõ, cụ thể, chặt chẽ và gộp hai đề án làm một, đồng thời xây dựng đề án riêng về sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã và các thôn, tổ dân phố chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định hoặc tăng quy mô để tinh giản đầu mối.

Đồng chí lưu ý phải rà soát chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị để điều chỉnh cho phù hợp, nội bộ các phòng ban của các sở cũng phải tích cực, chủ động xem xét, sắp sếp thu gọn đầu mối. Đồng thời cần xem xét lại và nghiên cứu thêm một số nội dung: việc chuyển từ đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần kinh phí chi thường xuyên sang đơn vị tự đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên của các Trung tâm: Tư vấn phát triển công nghiệp và tiết kiệm năng lượng(Sở Công thương); Tư vấn dịch vụ tài chính công (Sở Tài chính); Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch&Đầu tư); Trung tâm dịch vụ việc làm (Sở Lao động, Thương binh & xã hội); việc sáp nhập 2 trường Trung cấp nghề Công nghệ Hà Nam và Trường Cao đẳng nghề Hà Nam… Các nội dung khác nhất trí như đề án.

Thu Thảo (ảnh: Thế Trang)

Thu Thảo, Thế Trang

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy