Nâng cao chất lượng thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở

Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nội dung Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở là một trong những giải pháp quan trọng góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Từ nhận thức trên, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả QCDC ở cơ sở, qua đó phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị.

Một trong những nội dung quan trọng thể hiện sự cụ thể hóa và vận dụng, thực hiện tốt QCDC đó là phát huy vai trò của cấp ủy, người đứng đầu trong đối thoại trực tiếp với nhân dân.

Trong những buổi đối thoại trực tiếp với nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các huyện: Kim Bảng, Thanh Liêm, Duy Tiên, Bình Lục, các đồng chí bí thư huyện ủy, chủ tịch UBND huyện đã thể hiện rõ phong cách gần gũi, chân thành, cầu thị, cởi mở, chủ động khuyến khích đại biểu đại diện các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trao đổi, đặt câu hỏi… qua đó nắm bắt chính xác, đầy đủ tình hình cơ sở.

Đại diện Ban Tổ chức Huyện ủy Kim Bảng trả lời ý kiến của đại biểu tại hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu huyện Kim Bảng với cán bộ, hội viên phụ nữ huyện.

Tại các buổi đối thoại, lãnh đạo một số địa phương cũng đã đề nghị đại diện các cấp, ngành liên quan có ý kiến giải trình, xem xét giải quyết những vấn đề người dân quan tâm. Đây chính là một trong những hình thức đã và đang được các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh tích cực thực hiện, qua đó phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Năm 2018, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Khang đã dự 2 hội nghị đối thoại trực tiếp với nhân dân xã Thanh Lưu, huyện Thanh Liêm và đại biểu hội viên phụ nữ trong tỉnh. Cùng với đó, 5/6 bí thư, chủ tịch các huyện đối thoại trực tiếp với nhân dân, đoàn viên, hội viên các hội, đoàn thể.

Không chỉ ở cấp tỉnh, huyện, tại nhiều đơn vị cấp xã và một số ban, ngành, đoàn thể cũng rất chú trọng thực hiện đối thoại trực tiếp với nhân dân. Năm 2018, toàn tỉnh có 56/116 xã, phường, thị trấn tổ chức hội nghị bí thư, chủ tịch đối thoại với nhân dân.

Ông Trần Văn Đoàn (trú tại phường Trần Hưng Đạo, thành Phố Phủ Lý) nhận xét: Việc thực hiện QCDC ở cơ sở ngày càng được cấp ủy, chính quyền quan tâm chú trọng. Những vấn đề liên quan tới dân sinh trước khi HĐND xem xét, quyết định đều được đưa ra để nhân dân trực tiếp thảo luận, đóng góp ý kiến. Chính quyền các cấp cũng thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch các lĩnh vực liên quan đến giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân; niêm yết các quy định và đặt hòm thư tiếp nhận ý kiến phản ánh, tham gia góp ý về kết quả cải cách thủ tục hành chính (TTHC), thái độ, tác phong, tính chuyên nghiệp, phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng, thực hiện QCDC ở cơ sở theo Kết luận số 120 của Bộ Chính trị khóa XI, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện có hiệu quả quyền làm chủ của nhân dân.

Trước hết, các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu địa phương, đơn vị quan tâm hơn tới việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về QCDC ở cơ sở; kịp thời kiện toàn ban chỉ đạo, xây dựng quy chế làm việc, triển khai thực hiện quy chế đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân.

Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nội quy, quy chế, quy ước phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn ở mỗi cấp, ngành, địa phương, đơn vị. Năm 2018, lãnh đạo các cơ quan hành chính nhà nước trong tỉnh cũng đã chú trọng tập trung đẩy mạnh cải cách TTHC, tạo điều kiện thuận lợi, rút ngắn thời gian chờ đợi, công sức, chi phí của tổ chức, cá nhân khi giao dịch, giải quyết công việc.

Đồng thời, tập trung giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân ngay tại cơ sở. Từ đầu năm đến nay, các cấp, ngành đã tiếp 4.611 lượt người; tiếp nhận 107 vụ việc khiếu nại, tố cáo; đã giải quyết 97 vụ việc (đạt gần 91%); 100% sở, ngành thuộc UBND tỉnh đều đăng ký thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Hành chính công tỉnh; các dịch vụ hành chính công đều đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.

Hằng năm, ban chỉ đạo thực hiện QCDC các cấp đều có kế hoạch tổ chức kiểm tra việc thực hiện QCDC ở các lĩnh vực, tập trung vào một số lĩnh vực nhạy cảm, dễ nảy sinh tham nhũng tiêu cực như: quản lý đất đai, tài chính, xây dựng cơ bản, giải quyết chế độ, chính sách xã hội... HĐND tỉnh cũng xây dựng kế hoạch, tập trung giám sát những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, tiếp tục cải tiến, đổi mới phương pháp tiếp xúc cử tri theo hướng ý kiến, kiến nghị của cử tri được trả lời, giải trình trực tiếp; với những ý kiến tập hợp trình HĐND tỉnh xem xét đều có thời hạn trả lời, giải quyết cụ thể, rõ ràng.

Việc chú trọng thực hiện nghiêm túc QCDC ở cơ sở của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp trong tỉnh thời gian qua chính là yếu tố quan trọng nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết và huy động các nguồn lực góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh. Đồng thời, củng cố mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Nguyễn Hằng

Nguyễn Hằng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.