Long trọng Lễ Kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện

Tối 10/10, tại Quảng trường Khu đền thờ các anh hùng Liệt sỹ tỉnh Hà Nam, Tỉnh ủy – HĐND – UBND, UBMTTQ tỉnh Hà Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện (1903-2018) và Chương trình Nghệ thuật “Hà Nam đất mẹ anh hùng”.


Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước dự lễ kỷ niệm.

Đến dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Trương Tấn Sang, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội;  Đặng Thị Ngọc Thịnh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Quyền Chủ tịch nước; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thuận Hữu, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Đào Việt Trung, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Bùi Thị Minh Hoài, Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Trung ương; Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Mạnh Hiển, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương; Đoàn Hồng Phong, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định; Đỗ Tiến Sỹ, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên; đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố Hải Dương, Nam Định, Hải Phòng, Hà  Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hưng Yên, Phú Thọ…

Về phía tỉnh Hà Nam có các đồng chí: Nguyễn Đình Khang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Sỹ Lợi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Xuân Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đại biểu lão thành cách mạng; Mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng LLVT Nhân dân; các đồng chí nguyên Thường trực Tỉnh ủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp Trung ương và địa phương; hội đồng hương Hà Nam ở các tỉnh, thành trong cả nước cùng thân nhân, đồng đội các liệt sỹ, gia đình đồng chí Lương Khánh Thiện và đông đảo nhân dân địa phương.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm.

Trong diễn văn kỷ niệm 115 năm ngày sinh nhà cách mạng tiền bối Lương Khánh Thiện (1903-2018), đồng chí Nguyễn Đình Khang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã nêu bật thân thế, cuộc đời hoạt động cách mạng, nhân cách và những cống hiến đóng góp của đồng chí Lương Khánh Thiện trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Ông sinh ngày 13/10/1903 trong một gia đình nhà nho nghèo tại thôn Mễ Thượng, xã Mễ Tràng, tổng Mễ Tràng, huyện Thanh Liêm (nay thuộc tổ dân phố Mễ Thượng, phường Liêm Chính, TP Phủ Lý).

Ngay từ khi còn là sinh viên Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng, đồng chí đã tích cực tham gia các phong trào đấu tranh yêu nước của học sinh, nổi bật là sự kiện dẫn đầu đoàn học sinh Trường Kỹ nghệ thực hành chặn xe Toàn quyền Va-ren từ Đồ Sơn về Cầu Rào, đưa đơn đòi trả tự do cho Phan Bội Châu. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, khát khao tìm đường cứu nước, cứu dân thoát khỏi ách lầm than, nô lệ, đồng chí Lương Khánh Thiện đã sớm chủ động tìm đến với cách mạng thông qua việc tìm đọc sách báo, tài liệu bí mật của Đảng và tham gia các phong trào đấu tranh của công nhân lúc bấy giờ.

Từ khi gia nhập, hoạt động và lãnh đạo trong Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên ở nhà máy sợi Nam Định, nhà máy chai Hải Phòng, đồng chí Lương Khánh Thiện đã đóng góp công sức, trí tuệ đưa chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vào phong trào yêu nước của các tầng lớp nhân dân, phong trào công nhân và nông dân, kết hợp chặt chẽ với nhau thành phong trào cộng sản để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 4/1929, đồng chí được kết nạp vào Chi bộ cộng sản đầu tiên của Thành phố Hải Phòng. Từ đây, cuộc đời cách mạng của đồng chí bước sang một giai đoạn cách mạng mới, trở thành một nhà cách mạng chân chính, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí đã được tổ chức Đảng tin tưởng giao nhiệm vụ bí mật, nắm giữ các chức vụ chủ chốt. Ở cương vị nào, đồng chí luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy đến tính mạng.

Tháng 9/1936, sau khi được trả tự do, từ Côn Đảo trở về, đồng chí chắp mối liên lạc với Đảng. Cuối năm 1936, tại một địa điểm ở Gia Lâm, đồng chí Lương Khánh Thiện đã cùng với các đồng chí Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Hoàng Quốc Việt, Tô Hiệu, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Minh... bí mật thành lập Ủy ban sáng kiến, thực chất là tái lập Xứ ủy Bắc Kỳ.

Tháng 3-1937, Hội nghị thành lập Xứ uỷ Bắc Kỳ lâm thời được tổ chức, đồng chí Lương Khánh Thiện được cử làm Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ lâm thời kiêm Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Trên cương vị Bí thư Xứ ủy, đồng chí đã chỉ đạo khôi phục lại các tổ chức cơ sở, xây dựng lực lượng cách mạng của Đảng ở Bắc kỳ, hoạt động theo phương thức mới: bí mật, bán công khai và công khai, hợp pháp; từ trực tiếp đấu tranh sang đòi cải cách dân chủ, dân sinh,...góp phần quan trọng vào thắng lợi của Đảng trong cao trào đấu tranh dân chủ những năm 1936- 1939.

Tháng 9/1939, đồng chí được phân công chỉ đạo xây dựng căn cứ bí mật của Đảng (An toàn khu dự phòng của Xứ ủy) ở tỉnh Phú Thọ. Tại các huyện Cẩm Khê, Lâm Thao, Phù Ninh, Thanh Ba, Yên Lập, đồng chí chỉ đạo thành lập được 3 trong 4 chi bộ đầu tiên của tỉnh Phú Thọ đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy; thành lập Ban cán sự lâm thời tỉnh Phú Thọ.

Tháng 10/1940, đồng chí được phân công làm Bí thư Liên tỉnh B, gồm các tỉnh: Hải Phòng, Quảng Yên, Hòn Gai, Hải Dương, Hưng Yên, một phần tỉnh Kiến An; trực tiếp phụ trách Đảng bộ Hải Phòng.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lương Khánh Thiện đầy chông gai, thử thách. Trải qua nhiều vị trí lãnh đạo, hoạt động ở nhiều địa phương khác nhau, dù ở đâu, thực hiện nhiệm vụ gì, đồng chí cũng hết lòng vì Đảng, vì nhân dân, vững vàng trước khó khăn thử thách, luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ và có những đóng góp to lớn cho Đảng, cho cách mạng. Ba lần bị địch bắt, giam từ hết nhà tù này đến nhà tù khác, bị kết án chung thân và đày ra Côn Đảo, kẻ địch dùng mọi thủ đoạn, từ dụ dỗ, mua chuộc đến đánh đập, tra tấn dã man nhưng đồng chí Lương Khánh Thiện vẫn kiên gan chịu đựng, giữ vững khí tiết của người cộng sản kiên trung. Không khuất phục được tinh thần thép của đồng chí, Tòa án của đế quốc Pháp đã kết án tử hình và đưa đi xử bắn vào lúc 4 giờ 30 phút ngày 01/9/1941, tại chân núi Áng Sơn, huyện An Lão, tỉnh Kiến An (nay thuộc thị trấn Trường Sơn, huyện An Lão, TP Hải Phòng). Cho đến phút cuối của cuộc đời, đồng chí vẫn giữ trọn lòng thuỷ chung, sắt son với Đảng, với dân tộc, vẫn vững một niềm tin tuyệt đối vào tương lai tất thắng của cách mạng. Đồng chí đã để lại tấm gương ngời sáng cho các thế hệ mai sau về tinh thần tự học tập, tự rèn luyện, phấn đấu trưởng thành từ thực tiễn, về sự kiên trung, tinh thần đấu tranh bất khuất của người chiến sỹ cách mạng.

Phát huy truyền thống yêu nước của quê hương Hà Nam, tiếp bước đồng chí Lương Khánh Thiện, đã có hàng vạn người con quê hương Hà Nam dũng cảm hy sinh để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, trong đó có các nữ liệt sỹ dân quân pháo phòng không Lam Hạ.

Đồng chí Nguyễn Đình Khang khẳng định: “Những cống hiến, hy sinh của nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu Lương Khánh Thiện, của 10 nữ dân quân anh hùng liệt sỹ Lam Hạ và các anh hùng liệt sỹ,  là truyền thống tự hào, là động lực to lớn để Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Nam phấn đấu vượt qua khó khăn thách thức.  Quán triệt và thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, sau hơn 20 năm tái lập, từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp, đến nay Hà Nam đã vươn lên trở thành một tỉnh phát triển nhanh, quy mô ngày càng lớn...
Những kết quả trên đây mới chỉ là bước đầu, song rất đáng tự hào, là những tiền đề quan trọng để Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Nam thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, đưa Hà Nam phát triển nhanh, bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xứng đáng là quê hương của đồng chí Lương Khánh Thiện, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu.

Thay mặt Đảng, Nhà nước, đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Uỷ viên Trung ương  Đảng, Quyền Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã trao danh hiệu AHLLVTND truy tặng cho 9 nữ dân quân Lam Hạ cho thân nhân các liệt sỹ. Ảnh: Khương Doanh

Thay mặt Đảng, Nhà nước, đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Uỷ viên Trung ương  Đảng, Quyền Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã trao danh hiệu AHLLVTND truy tặng cho 9 nữ dân quân Lam Hạ cho thân nhân các liệt sỹ.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh: Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của đồng chí đối với các mạng Việt Nam nói chung, với quê hương Hà Nam nói riêng. Đồng thời, cũng là dịp để mỗi chúng ta tự soi rọi lại mình, xem đã làm được những gì để xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha anh; nhắc nhở chúng ta phải không ngừng học tập, trau dồi đạo đức, phẩm chất, giữ vững bản lĩnh của người cán bộ, đảng viên nhất là trong tình hình hiện nay.

Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam  tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới toàn diện, tạo những bứt phá mới trong phát triển kinh tế xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, góp phần  thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quôc lần thứ XII của Đảng. Các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể nhân dân cần quan tâm, chăm lo hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần, tri ân các gia đình có công với cách mạng, gia đình liệt sĩ, thương binh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong... Không ngừng phát huy giá trị lịch sử và quảng bá hình ảnh khu di tích tâm linh Đền thờ Bác Hồ và các anh hùng liệt sỹ của tỉnh, Nhà lưu niệm đồng chí Lương Khánh Thiện, qua đó, góp phần bồi đắp, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ trẻ ở địa phương.

Hoạt cảnh người chiến sĩ cộng sản.

Hoạt cảnh 10 cô gái Lam Hạ.

Chương trình nghệ thuật “Hà Nam đất mẹ anh hùng” do NSND Trần Bình, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam đạo diễn với sự tham gia của gần 200 nghệ sỹ của Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam và Nhà hát Chèo Hà Nam. Chương trình gồm 3 chương: Chương I “Người cộng sản kiên trung”, khắc họa hình ảnh con người, nhân cách, khí tiết cách mạng của đồng chí Lương Khánh Thiện. Chương II“Những bông hoa thép trên đất Lam Hạ - Hà Nam” nêu bật những tấm gương nghĩa liệt chói sáng trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc chống Mỹ cứu nước. Chương III“Hà Nam hội nhập và phát triển” được diễn tả bằng những điệu khúc âm nhạc bay bổng, rộn ràng, thể hiện nhịp sống hân hoan của nhân dân Hà Nam trong tiến trình đổi mới, phát triển.

Trước đó, Thành ủy thành phố Phủ Lý đã tổ chức Lễ dâng hương và khánh thành nhà lưu niệm đồng chí Lương Khánh Thiện tại khuôn viên Khu Đền thờ các anh hùng liệt sỹ tỉnh.

Giang Nam

Chu Uyên, Khương Doanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.