Kết quả bước đầu sáp nhập thôn, tổ dân phố ở Thanh Liêm

Chủ trương sáp nhập thôn, tổ dân phố (TDP) hướng tới bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã và đang được cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Thanh Liêm triển khai với nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ. Quá trình thực hiện tuy gặp một số khó khăn nhưng kết quả bước đầu khẳng định quyết tâm của hệ thống chính trị, sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân.

Huyện Thanh Liêm có 167 thôn, TDP (thuộc 17 xã, thị trấn), trong đó 87 thôn quy mô dưới 200 hộ, 3 TDP quy mô dưới 250 hộ phải sáp nhập để thành lập thôn, TDP mới.

Từ thực tế đó, cùng với ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, UBND huyện giao cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn làm tốt công tác tuyên truyền, giúp nhân dân hiểu rõ mục đích ý nghĩa, sự cần thiết của việc sáp nhập thôn, TDP; tổ chức hội nghị xin ý kiến, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Các xã, thị trấn thành lập ban chỉ đạo, tiến hành rà soát những thôn, TDP không bảo đảm quy mô số hộ theo tiêu chí, xây dựng đề án sáp nhập, tổ chức kiểm đếm đất đai, tài sản nhà văn hóa, lên kế hoạch bàn giao theo quy định.

Theo ông Đinh Văn An, Chủ tịch UBND huyện, quá trình triển khai sáp nhập thôn, TDP, huyện xác định phải bảo đảm tổng thể, đồng bộ, vừa có tính kế thừa, ổn định, vừa có sự đổi mới, phát triển phù hợp với từng cơ sở. Tinh thần chung là thực hiện khẩn trương, chắc chắn, những việc đã rõ thì làm sớm, việc khó khăn, vướng mắc tiếp tục xin ý kiến của tỉnh, ngành chức năng và tiến hành từng bước, không nóng vội.

Bí thư Huyện ủy Thanh Liêm Lê Hoàng Thuyên trao đổi với đảng viên và nhân dân ở xã Thanh Tâm đối với chủ trương sáp nhập thôn, tổ dân phố.

Liêm Cần là một xã có địa bàn rộng nhưng nhờ làm tốt quy trình nên đã hoàn thành sáp nhập thôn khá sớm với sự đồng tình ủng hộ cao từ nhân dân. Theo ông Phạm Văn Độ, Chủ tịch UBND xã, khi triển khai, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tập trung tuyên truyền, vận động, giúp người dân hiểu rõ sáp nhập thôn, TDP là chủ trương lớn nhằm giảm đầu mối, giảm số lượng cán bộ không chuyên trách, giảm chi ngân sách; phát huy vai trò tự quản, tự chủ và hiệu quả huy động nguồn lực trong xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, từ chỗ có 9 thôn đến nay sau khi sáp nhập Liêm Cần còn 4 thôn, thôn nhỏ nhất 584 hộ.

Thanh Liêm là một trong hai địa phương của tỉnh đã hoàn thành xong đề án sáp nhập thôn, TDP. Theo đó, huyện sẽ tiến hành sáp nhập 110 thôn, TDP chưa đủ điều kiện quy mô dân số để thành lập 44 thôn, TDP mới; giảm từ 167 thôn, TDP xuống còn 101 thôn, TDP; giảm gần 200 cán bộ không chuyên trách thôn, TDP. 

Kinh nghiệm từ triển khai sáp nhập thôn, TDP ở Thanh Liêm là: Trước hết làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giúp người dân hiểu và đồng thuận, cùng vào cuộc trong tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, việc rà soát, xây dựng phương án sáp nhập bảo đảm theo trình tự, quy định, hợp lý, khách quan, phù hợp với điều kiện từng cơ sở; kịp thời nắm bắt, tháo gỡ, giải quyết vướng mắc, tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân ngay từ cơ sở. Đồng thời, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện; nhất quán trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, nhân dân về mục đích, sự cần thiết, tầm quan trọng của việc sáp nhập, kiện toàn thôn, TDP.

Việc sáp nhập thôn, TDP đang được triển khai đồng loạt trong toàn tỉnh. Vì vậy, vướng mắc từ thực tiễn ở Thanh Liêm rất cần các cấp, ngành tập trung tháo gỡ, giải quyết, bảo đảm phù hợp với quy định, quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, góp phần sớm đưa chủ trương vào thực tế đời sống.

Lê Mai

Lê Mai

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.