Ban Nội chính Trung ương phổ biến nội dung cơ bản 2 Bộ luật: Hình sự và Tố tụng hình sự năm 2015

Sáng 17/4, Ban Nội chính Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến nội dung cơ bản của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương chủ trì hội nghị.

Dự, chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nam có đồng chí Phạm Sỹ Lợi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng truyền đạt các nội dung: Sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, định hướng xây dựng Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; lý do phải sửa đổi, bổ sung; những điểm mới cơ bản của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam.

Theo đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 (Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10; sửa đổi, bổ sung một số điều tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV) được xây dựng trên cơ sở kế thừa, phát triển ở mức cao nhất những nguyên tắc, chế định pháp luật hình sự của nước ta từ năm 1945 đến nay, nhất là Bộ luật Hình sự năm 1999 cũng như những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm trong quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi (có hiệu lực từ 1/1/2018) gồm 3 phần, 26 chương, 426 điều (tăng 2 chương, 72 điều so với Bộ luật Hình sự năm 1999), trong đó có nhiều điểm mới quan trọng như: Bổ sung quy định, hạn chế áp dụng hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt ngoài tù; bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại; thay đổi chính sách hình sự đối với người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi; bổ sung các tội phạm mới, bãi bỏ một số tội phạm; cụ thể hóa các tình tiết có tính chất định tính.

Cũng theo nội dung phổ biến tại hội nghị, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 gồm 9 phần, 36 chương, 510 điều. Trong đó, có nhiều nội dung mới cơ bản như: hoàn thiện các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự; quy định cụ thể trách nhiệm, quyền hạn của từng cơ quan tố tụng, tạo điều kiện để các cơ quan thực hiện tốt trách nhiệm luật định; phân định thẩm quyền hành chính với thẩm quyền tư pháp; tăng quyền, tăng trách nhiệm cho điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán; quy định cụ thể trình tự, thủ tục trong từng giai đoạn tố tụng; đổi mới chế định chứng minh và chứng cứ; bảo đảm quyền bào chữa của của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo...

Việc triển khai phổ biến các bộ luật nhằm góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống, phát huy giá trị thực tiễn, nhất là những điểm mới, tiến bộ. Qua đó, nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật cho nhân dân, tổ chức tốt việc thực thi pháp luật, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh đất nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, thúc đẩy nền kinh tế thị trường định hướng XHCN phát triển đúng hướng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Thanh Vân

Thanh Vân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy