Xây dựng mô hình điểm làm theo Bác ở Bình Lục

Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về hành động, Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Lục đã yêu cầu các đơn vị xây dựng mô hình điểm "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" phải cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị. Mô hình phải có sức lan tỏa, mang lại hiệu quả thiết thực, tránh hình thức.

Sau khi khảo sát ở tất cả các đảng bộ, chi bộ trực thuộc, Huyện ủy Bình Lục đã chọn xây dựng mô hình điểm cấp huyện tại 3 xã là: Tràng An, An Ninh và Mỹ Thọ. Đây là ba xã tiêu biểu có những điều kiện đáp ứng yêu cầu thực hiện mô hình trên ba lĩnh vực xây dựng Đảng, chính quyền; phát triển kinh tế và an ninh trật tự.

Lãnh đạo huyện Bình Lục thăm, đánh giá cao mô hình cải cách hành chính gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ ở xã Tràng An.

Để triển khai thực hiện, Huyện ủy chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai tuyên truyền phổ biến nội dung của mô hình sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhờ đó, tất cả các đơn vị này đã thể hiện sâu sắc quyết tâm chung tay xây dựng thành công mô hình với từng nội dung được chỉ đạo, phân công theo tinh thần "nói đi đôi với làm".

Đồng chí Lê Hồng Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Bình Lục cho biết: Khi đi vào thực tế từng mô hình, các đơn vị đã thể hiện rõ ưu điểm, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và sự tham gia hưởng ứng của nhân dân.

Ở xã Tràng An, khi thực hiện mô hình với nội dung "Nêu cao vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ đảng viên, công chức xã trung thực, gần dân, sát dân gắn bó với nhân dân", Đảng ủy xã đã nghiêm túc quán triệt, chỉ đạo cụ thể nội dung, hướng mục tiêu xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh thông qua việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, coi công tác này là thước đo hiệu quả của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Về xã An Ninh, kể từ khi thực hiện điểm mô hình với nội dung "Nêu cao vai trò lãnh đạo của chi bộ trong việc tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế", xứ đồng Sa Giang của xã đã khoác lên mình một màu xanh mới, không còn là những thửa ruộng nhỏ manh mún, chỉ dùng để cấy lúa với thu nhập không cao.

Bà Hà Thị Lục, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTXDVNN An Ninh cho biết: Thực hiện mô hình điểm, Chi bộ HTXDVNN đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch, tiếp cận trao đổi với 51 hộ nông dân thôn 9 để thuê lại 5ha đất nông nghiệp tại xứ đồng này trong thời gian 10 năm. Mỗi năm thanh toán 80kg thóc/sào cho từng hộ. HTX đã chuyển đổi toàn bộ diện tích thuê được sang trồng cây cam đường canh, thuê luôn nhà vườn giúp việc thiết kế quy hoạch, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm bón, đặt mua cây giống, ký kết bao tiêu sản phẩm… với tổng mức đầu tư trên 3 tỷ đồng.

Hiện nay, toàn bộ 5ha cam đường canh đã cho thu hoạch, sản lượng năm đầu đạt 40 tấn. Giá bán 30.000 đồng/kg, HTX thu về được 1,2 tỷ đồng. Kết quả bước đầu của mô hình đã tác động tích cực đến phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tích tụ ruộng đất của xã, tạo động lực mạnh mẽ trong phong trào thi đua lao động sản xuất của nông dân. Trong thời gian tới, mô hình này sẽ được quan tâm, thực hiện mục tiêu xây dựng HTX kiểu mới thành công.

Tại xã Mỹ Thọ, thực hiện nội dung "Nêu cao vai trò trách nhiệm của Hội Cựu chiến binh trong việc phối hợp với Ban Công an xã bảo vệ an ninh, trật tự thôn, xóm" do cựu chiến binh làm lực lượng nòng cốt triển khai mô hình. Trên tinh thần xây dựng và phát huy hình ảnh người lính Cụ Hồ, những người lính ở chiến trường năm xưa hôm nay trở về cuộc sống đời thường tiếp tục phát huy phẩm chất, ý chí trong xây dựng và giữ gìn trật tự xã hội, gương mẫu tiên phong trong mọi phong trào.

Hội CCB xã đã phối hợp với Ban Công an xã tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; chủ động nắm bắt dư luận xã hội, kịp thời ngăn chặn những tệ nạn xã hội, những tiêu cực nảy sinh trong đời sống… Ý thức nêu gương của các CCB đã mang lại những ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ.

Nhờ đó, tình hình trật tự, an toàn xã hội ở Mỹ Thọ được củng cố, ổn định, cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới.

Theo đồng chí Chu Phương, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bình Lục, các đơn vị được chọn làm điểm mô hình đã gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, tạo nên những hạt nhân quan trọng để huyện tiếp tục nhân rộng mô hình. Từ việc thực hiện mô hình, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức từng đơn vị đã tránh được tình trạng nói không đi đôi với làm, hình thức, quan liêu, xa rời thực tiễn đời sống… thước đo cho kết quả này là sự hài lòng của người dân.

Mặc dù ở cả 3 đơn vị làm điểm trong quá trình thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng đó cũng là thử thách để cán bộ, đảng viên và nhân dân từng đơn vị tự làm, tự sáng tạo, đoàn kết, thống nhất, tìm ra giải pháp riêng để hoàn thành nhiệm vụ.

Giang Nam

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.