Nhân rộng mô hình điểm về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Qua một năm thực hiện, mô hình điểm học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo nên những "điểm sáng" trong thực tế đời sống, tiếp thêm động lực cho phong trào thi đua nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên (CBĐV), nhân dân ở nhiều địa phương, đơn vị.

Theo chủ trương chung, năm 2018 là năm triển khai nhân rộng những "điểm sáng" trên, hướng tới mục tiêu biến giá trị cao đẹp, giàu tính nhân văn trong tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác thành suy nghĩ, việc làm thường trực, thường xuyên, tự giác trong mỗi tập thể, cá nhân và đời sống xã hội. Để đạt mục tiêu đó, rất cần những giải pháp phù hợp trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm từ giai đoạn xây dựng mô hình điểm.

Coi trọng phổ biến, nhân rộng kinh nghiệm

Năm 2017, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã xây dựng 290 mô hình điểm các cấp (cấp tỉnh: 3; cấp huyện 36; cấp cơ sở: 251). "Cơ cấu" mô hình có sự đa dạng về nội dung lựa chọn, hình thức tiến hành, về địa bàn, lĩnh vực, loại hình tổ chức đảng (TCĐ), chính quyền, đoàn thể. Với ba mô hình cấp tỉnh, kinh nghiệm nổi bật dễ nhận thấy là các đơn vị, địa phương tập trung hướng vào khía cạnh học tập, làm theo phong cách Bác, phù hợp với nhiệm vụ chính trị được giao.

Theo đó, Đảng bộ xã Nhân Bình (Lý Nhân) chọn nội dung "Vận động nhân dân tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao"; Chi bộ 2, phường Quang Trung (TP. Phủ Lý) chọn nội dung "Xây dựng tuyến phố văn minh đô thị"; Đảng bộ Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh chọn nội dung "Đổi mới, sáng tạo, nhân văn, thân thiện, vì nhân dân phục vụ". Kinh nghiệm thiết thực này đang được cấp ủy các địa phương, đơn vị tích cực chỉ đạo phổ biến, nhân rộng.

Bí thư Chi bộ 2, phường Quang Trung (TP. Phủ Lý) trao đổi với đảng viên trong chi bộ về công tác vệ sinh khu phố. Ảnh: Nguyễn Hằng

Việc coi trọng phổ biến, nhân rộng kinh nghiệm xây dựng mô hình còn được nhiều địa phương, đơn vị thể hiện thông qua những cách làm linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả. Theo đó, trước hết phổ biến, nhân rộng mô hình thông qua phong cách lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của cấp ủy, TCĐ, chính quyền, sự chủ động trong tổ chức, vận động thực hiện của MTTQ, ban, ngành, đoàn thể và tinh thần nêu gương của người đứng đầu đơn vị, địa phương.

Áp dụng kinh nghiệm này, Huyện ủy Kim Bảng đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể tổ chức tọa đàm về học tập, làm theo gương Bác; Công an tỉnh tổ chức hội thi "Phụ nữ Công an tỉnh học và làm theo Bác"; Huyện ủy Lý Nhân, Duy Tiên thường xuyên cập nhật, phản ánh những mô hình hay, những điển hình về học, làm theo gương Bác trong Bản tin xây dựng nông thôn mới, Trang thông tin điện tử...

Ở giai đoạn "nhân diện" sắp tới, việc coi trọng giới thiệu, phổ biến kinh nghiệm hay trong xây dựng mô hình học tập, làm theo gương Bác là rất quan trọng và cần thiết nhằm giúp cho phong trào chung thêm khởi sắc, có chiều sâu, toàn diện, có sức thuyết phục và tính lan tỏa mạnh mẽ.

Lựa chọn đúng, vận dụng linh hoạt

Kết quả thực tế trong giai đoạn "thực hiện điểm" mô hình học tập, làm theo gương Bác cho thấy nhiều đơn vị, địa phương đã chọn đúng vấn đề trọng tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, giải quyết nên thu được hiệu quả rõ nét. Đây là những cơ sở thực tế rất bổ ích cần được nghiên cứu khi lựa chọn, liên hệ, vận dụng trong nhân rộng mô hình.

Theo đó, nhóm nội dung làm theo phong cách Bác về đề cao tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, "việc mới", "việc khó", tập trung khắc phục những tồn tại, bức xúc ở cơ sở được nhiều cấp ủy, chính quyền "ưu tiên" lựa chọn để xây dựng mô hình. Nhờ vậy, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo ở một số địa phương có chuyển biến tích cực, số đơn thư giảm hẳn so với trước (mô hình của ngành thanh tra huyện Thanh Liêm, thành phố Phủ Lý).

Cùng với đó, công tác điều tra, khám phá án, bảo đảm trật tự an toàn xã hội đạt kết quả nổi bật (mô hình của Công an tỉnh; Công an Kim Bảng, Duy Tiên). Đặc biệt, nội dung tăng cường tuyên truyền, vận động gắn với kiên quyết xử lý vi phạm, xây dựng tuyến phố văn minh được dư luận đồng tình, đánh giá cao (mô hình của phường Quang Trung, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Phủ Lý)...  

Một căn cứ quan trọng khác cần được cân nhắc khi vận dụng, lựa chọn nội dung nhân rộng mô hình học tập, làm theo gương Bác, đó là gắn xây dựng mô hình với thực hiện các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4, Trung ương 6 (khóa XII) về: xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Sâu sát, kịp thời trong kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ

Đưa nội dung nhân rộng mô hình vào chương trình kiểm tra, giám sát (KTGS), kịp thời nắm bắt tình hình, đánh giá kết quả, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho những đơn vị còn lúng túng trong thực hiện cũng là giải pháp quan trọng để mô hình học tập, làm theo gương Bác được nhân rộng đúng hướng. Theo đó, các cấp, ngành cần chú trọng đôn đốc, rút kinh nghiệm trong nhân rộng mô hình theo từng thời điểm cụ thể gắn với kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt, phê bình, nhắc nhở những đơn vị làm chưa tốt.

Cùng với KTGS, việc xây dựng cơ chế phù hợp khuyến khích, hỗ trợ cũng là điều kiện quan trọng để chủ trương nhân rộng mô hình học tập, làm theo gương Bác hướng tới hiệu quả thiết thực.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Trần Ngọc Dương, Bí thư Chi bộ 2, phường Quang Trung, TP. Phủ Lý bày tỏ: Từ kết quả bước đầu về xây dựng mô hình điểm, sắp tới rất mong thành phố và một số cơ quan, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn hỗ trợ việc chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật, giúp cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể, CBĐV, nhân dân phường thuận lợi hơn trong nhân rộng mô hình, góp phần xây dựng đô thị văn minh, người dân thanh lịch.

Liên hệ với mô hình của Đảng bộ xã Nhân Bình, để nhân rộng kinh nghiệm tuyên truyền, tạo sự tin tưởng, đồng thuận từ CBĐV, nhân dân với chủ trương tích tụ ruộng đất, phục vụ sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (NNƯDCNC), các địa phương cần tích cực phối hợp cùng ngành nông nghiệp và doanh nghiệp đưa một số loại giống nông sản hàng hóa giá trị kinh tế cao vào đồng ruộng.

Cùng với đó, phối hợp với doanh nghiệp tổ chức sản xuất trên diện tích đất đã tích tụ, có nội dung tiêu chí, cam kết cụ thể trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm từ các mô hình vệ tinh, làm cơ sở cho quy hoạch, vận động hộ dân tham gia tổ hợp tác, nhóm hộ sản xuất NNƯDCNC. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ về: xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi, kỹ thuật, giống, vốn… để người dân tham gia mô hình vệ tinh yên tâm đầu tư theo đúng quy trình sản xuất NNƯDCNC.

Coi trọng tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm, giúp các địa phương, đơn vị có cơ sở lựa chọn đúng, trúng nội dung, liên hệ, vận dụng linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế; đồng thời sâu sát trong KTGS, áp dụng cơ chế hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc… là điều kiện rất quan trọng để mô hình học tập, làm theo gương Bác tiếp tục nhân rộng và nhanh chóng lan tỏa trong thực tế đời sống.

Thế Vĩnh

Thế Vĩnh, Nguyễn Hằng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy