'Một cửa điện tử' - Hướng đến nền hành chính hiện đại

Giảm thời gian chờ đợi, giải quyết nhanh gọn thủ tục hành chính (TTHC), cán bộ, công chức (CBCC) chu đáo, không gây phiền hà... là những tiện ích trước hết, dễ nhận thấy nhất từ mô hình "một cửa điện tử” mà các cấp, ngành của tỉnh mang lại cho người dân, doanh nghiệp (DN) trong thời gian gần đây.

Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ kiểm tra việc giải quyết TTHC tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh.

Tháng 1/2016, UBND tỉnh triển khai thí điểm mô hình "một cửa điện tử" và dịch vụ công trực tuyến tại 16 sở, ngành của tỉnh. Sau gần 2 năm thực hiện, từ hiệu quả thiết thực mang lại, mô hình đã được nhanh chóng nhân rộng thực hiện ở 100% sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trong tỉnh.

Với địa chỉ: http://motcua.hanam.gov.vn, hệ thống "một cửa điện tử" của tỉnh được kết nối trực tuyến với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, công khai tiến độ giải quyết hồ sơ của tổ chức, cá nhân. Đồng thời, cung cấp 13 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 1.631 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 277 dịch vụ công trực tuyến mức độ 2.

Để triển khai thành công mô hình "một cửa điện tử", các cấp, ngành trong tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ tổ chức tập huấn nghiệp vụ sử dụng phần mềm, cách giao tiếp với tổ chức, công dân đối với đội ngũ CBCC trực tiếp làm việc tại bộ phận tiếp nhận, trả kết quả. Ban hành nội quy, quy chế hoạt động; công khai bằng văn bản và trên phần mềm "một cửa điện tử" các quy định, TTHC, giấy tờ, hồ sơ, mức thu phí, lệ phí, thời gian giải quyết công việc… để mọi người biết, thực hiện và giám sát.

Một điều đáng ghi nhận sau gần 2 năm thực hiện mô hình "một cửa điện tử" trách nhiệm, năng lực, thái độ phục vụ của CBCC được nâng lên; tình trạng ách tắc hồ sơ giữa các phòng, ban hầu như không còn, thủ tục, giấy tờ được nhập dữ liệu trên máy tính thông qua phần mềm "một cửa điện tử". Người dân, DN khi có yêu cầu giải quyết TTHC, chỉ cần vài thao tác đơn giản trên máy tính đã có đầy đủ thông tin về hồ sơ, thủ tục liên quan đến lĩnh vực mình cần thực hiện.

Một ưu điểm vượt trội nữa của mô hình "một cửa điện tử" là khi người dân đến giao dịch sẽ được cấp một bộ hồ sơ có mã vạch và hẹn thời gian trả kết quả. Việc liên thông các TTHC được thực hiện suôn sẻ từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã, người dân chỉ cần đưa mã vạch vào máy hoặc gõ những thông tin cần thiết là có thể biết hồ sơ hiện đang nằm ở bộ phận nào, CBCC nào phụ trách, kết quả giải quyết đến đâu.

Việc công khai "đường đi" của hồ sơ còn giúp lãnh đạo đơn vị có thể kiểm tra tiến độ giải quyết công việc của các bộ phận ở bất kỳ đâu, thời gian nào; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp chậm trễ, tránh tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu, làm chậm tiến độ giải quyết.

Tại BHXH tỉnh, việc đưa vào thực hiện "một cửa điện tử" giúp ngành quản lý toàn bộ quy trình nghiệp vụ, từ tiếp nhận hồ sơ đến chuyển hồ sơ dữ liệu, thụ lý giải quyết, trả kết quả, tổng hợp báo cáo… Hệ thống còn quản lý chi tiết đến ngày, giờ giải quyết hồ sơ, CBCC thụ lý hồ sơ, cảnh báo tình trạng hồ sơ sắp đến hạn, chậm, muộn để có phương án xử lý kịp thời.

Qua theo dõi quy trình trên phần mềm, lãnh đạo BHXH tỉnh có thể cập nhật thường xuyên thông tin về tình hình, kết quả tiếp nhận, giải quyết TTHC tại các phòng, bộ phận nghiệp vụ; kiểm soát, đôn đốc các phòng, bộ phận giải quyết kịp thời, tránh tình trạng tồn đọng hồ sơ, được người dân ghi nhận, đánh giá cao.

Chị Trần Thị Thu Hà (ở tổ 8, phường Minh Khai, TP. Phủ Lý) cho biết: Việc giải quyết TTHC thông qua "một cửa điện tử" tại BHXH tỉnh mang lại hiệu quả rõ nét, đáp ứng nhu cầu giải quyết công việc, tiết kiệm thời gian, giảm số lần đi lại của đối tượng tham gia BHXH, BHYT.

Bên cạnh kết quả tích cực bước đầu, việc thực hiện mô hình "một cửa điện tử" còn một số hạn chế. Có đơn vị chưa xây dựng quy chế, quy định sử dụng hệ thống "một cửa điện tử", dịch vụ công trực tuyến, quy trình, quy định phối hợp trong nội bộ cơ quan; chất lượng hệ thống mạng có nơi chưa ổn định, thiếu đồng bộ giữa phần mềm nên việc xử lý hồ sơ liên thông đôi khi bị gián đoạn, chưa thông suốt. Một bộ phận cá nhân, DN mặc dù đã thực hiện "một cửa điện tử" nhưng do có mối quan hệ quen biết nên vẫn trực tiếp mang hồ sơ đến từng bộ phận để giao dịch, gây tình trạng thiếu công bằng trong giải quyết TTHC. Cùng với đó, một số người dân trình độ tin học hạn chế, chưa tiếp xúc nhiều với máy tính nên vẫn lựa chọn cách truyền thống là đến trực tiếp cơ quan chức năng để thực hiện TTHC.

Để mô hình "một cửa điện tử", dịch vụ công trực tuyến thực sự là bước đột phá trong cải cách TTHC, phục vụ thiết thực cho tổ chức, công dân, DN, thời gian tới các cấp, ngành cần thực hiện đầy đủ quy định, quy trình tiếp nhận, xử lý TTHC, hạn chế thấp nhất tình trạng chậm trễ, kéo dài. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, giúp người dân, tổ chức, DN hiểu rõ lợi ích thiết thực của "một cửa điện tử", dịch vụ công trực tuyến, từ đó đồng thuận áp dụng thực hiện. Mặt khác, phát hiện, xử lý nghiêm những CBCC có hành vi nhũng nhiễu, quan liêu trong giải quyết TTHC.

Mai Hương

Lê Mai

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy