"Xin lỗi", "cảm ơn", "xin chào" trong nhà trường

Năm rồi, tôi được phân công về giám sát thi cuối cấp tại một trường tiểu học ở địa phương. Giờ giải lao, tôi cùng các cô giáo chuyện trò và nhìn học sinh lớp 5 chơi đùa giữa sân trường.

Ảnh minh họa.

Một vài trẻ chạy nhảy ngang qua dãy ghế của thầy cô, đứng lại vòng tay: "Thưa cô". Các cô giáo tấm tắc khen giỏi. Bỗng một cô lên tiếng: "Bây giờ các con thưa cô vậy đó, chứ vài tháng nữa thôi, khi lên cấp II rồi, ra đường gặp cô giáo cũ, được mấy học sinh còn biết chào cô". Nhiều cô giáo lên tiếng đồng tình.

Tôi đem câu chuyện này về trường cấp II nơi tôi đang công tác, kể cho học sinh nghe và đặt câu hỏi: "Bao nhiêu em trong lớp chúng ta đã chào hỏi, thưa gửi cô giáo cũ khi tình cờ gặp lại?". Một nửa cánh tay trong lớp đưa lên. Số còn lại chưa dứt khoát. Tôi hỏi vì sao và bất ngờ khi nghe câu trả lời: "Con chào mà thầy cô có chào lại đâu?".

Trường tôi có một cổng chính và 2 cổng phụ. Hai cổng phụ chỉ mở vào đầu giờ và cuối giờ. Cổng chính chỉ mở cho giáo viên đến dạy và phụ huynh đến liên hệ công tác, có bố trí học sinh cờ đỏ trực cổng.

Mỗi khi chạy xe vào cổng trường, ngang qua các em, tôi không quên nói to: "Cô cảm ơn". Mỗi lúc như vậy, tôi lại bắt gặp ánh mắt tròn xoe ngạc nhiên của các em. Ánh mắt đó chứng minh rằng việc thầy cô cảm ơn các em mỗi khi đi qua cổng trường là chuyện hiếm, chuyện lạ.

Công tác vệ sinh trong trường tôi được giao cho một hộ dân gần đó. Mỗi lần đến chở rác, họ thường dẫn theo cô con gái lớn tuổi bị thiểu năng. Học sinh nghịch ngợm lắm. Các em thường trêu chọc, thỉnh thoảng còn nhặt đá vụn ném vào chị. Một lần nọ, tôi đang dạy thì nghe tiếng cười đùa ngoài sân trường. Nhìn ra, tôi bắt gặp một nhóm học sinh học thể dục lại tiếp tục trò đùa tai quái của mình. Cô gái ấy vẫn vừa cười vừa kéo thùng rác về phía cổng. Một vài giáo viên ở gần đó nhưng không phản ứng gì.

Thỉnh thoảng trong các tiết dạy, tôi cố gắng lồng những tình huống ứng xử trong cuộc sống vào bài học, các em lắng nghe rất chăm chú. Tiếc là không phải tất cả giáo viên đều quan tâm đến việc uốn nắn từng suy nghĩ, nhận thức lệch lạc của học sinh. Mối bận tâm lớn nhất của họ là dạy chữ, là nỗi lo bài vở chưa xong, kiến thức chưa đủ để học sinh kiểm tra, thi cử. Thiết nghĩ, giáo dục nhân cách học sinh vẫn luôn là nhiệm vụ nhọc nhằn, vất vả mà phương pháp giáo dục tối ưu chính là nêu gương. Muốn trẻ chào hỏi, ta phải biết chào hỏi. Muốn trẻ nói lời "cảm ơn", "xin lỗi", ta phải là người thường xuyên thực hành nó. Muốn trẻ xây dựng lối sống văn hóa, ta phải là tấm gương mẫu mực trong từng hành xử.

Theo nld.com.vn

Hải Phong

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.