Vu Lan báo hiếu – Mùa của đạo hiếu và tri ân

Tháng Bảy âm lịch là một tháng đặc biệt. Nhắc đến tháng Bảy, người ta nhớ đến mưa ngâu, đó là nước mắt ngày Ngưu Lang - Chức Nữ gặp lại nhau, một câu chuyện cổ tích về tình yêu đậm chất văn hóa phương Đông. Tháng Bảy cũng là tháng xá tội vong nhân và Lễ Vu Lan nhằm đề cao việc làm phúc và báo hiếu. Trong đó, Lễ Vu Lan của Phật giáo đã trở thành nét đẹp truyền thống trong việc báo ân, báo hiếu và phù hợp với văn hóa, phong tục, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt.

Những ngày này lên chùa, những người còn cha mẹ sẽ được cài một bông hoa hồng màu đỏ lên ngực áo, đây thực sự là hạnh phúc của người con, bởi: “Cha còn như ngọn đèn chong. Mẹ còn như ánh trăng rằm Trung thu”. Những người chỉ còn cha hoặc mẹ sẽ được cài một bông hoa hồng màu hồng, những ai mất cả cha và mẹ sẽ được cài một bông hoa hồng màu trắng, những tu sĩ sẽ cài hoa hồng màu vàng. Đây chính là nghi thức “Bông hồng cài áo” trong Lễ Vu Lan, nghi thức này đã trở thành một phong tục đẹp, biểu tượng cho tình yêu thương và lòng biết ơn của những người con hiếu hạnh đối với đấng sinh thành cha và mẹ.

Bông hồng đỏ cài áo cho những ai còn cả cha và mẹ.

Xưa, Tôn giả Mục Kiền Liên thấy mẹ vì làm nhiều điều xấu, khi chết bị đọa đầy trong địa ngục A tỳ hết sức đói khổ. Thương mẹ, ngài vận thần thông xuống cõi địa ngục u tối để dâng bát cơm cho mẹ. Tuy nhiên, do tâm bà Thanh Đề quá tham lam và ác nghiệp chịu quả báo còn quá nặng nề nên không thể dùng cơm vì bát cơm đã biến thành lửa hồng. Vô cùng đau buồn, Tôn giả trở về bạch với Phật mọi sự tình và cầu xin Phật chỉ dạy cho phương cách cứu độ mẹ mình. Phật dạy rằng, mặc dù lòng hiếu thảo của ngài vô cùng lớn lao và tuy rất giỏi về thần thông, ngài cũng không thể một mình mà cứu độ được cho mẹ. Phải cần nhờ đến oai thần, đến đức lớn như biển, đến lực gia trì của chư tăng, ni trong mười phương mới mong giải thoát được cho mẹ. Ngài Mục Kiền Liên đã thực hiện đúng những lời Phật dạy, vào ngày rằm tháng Bảy, thành tâm kính lễ trai tăng nên mẹ mới thoát khỏi kiếp quỷ đói và sinh về cảnh giới an lành. Kể từ đó tới nay, cứ đến rằm tháng Bảy - mùa Vu Lan, những người con Phật muôn phương lại noi theo gương hiếu hạnh của Tôn giả Mục Kiền Liên hướng về hai đấng sinh thành cha và mẹ nhằm đáp đền công ơn sinh thành, dưỡng dục.

Báo hiếu không chỉ với cha mẹ hiện tiền, mà còn với cha mẹ quá vãng, với ông bà tổ tiên. Đức Phật dạy, là người con hiếu thảo phải luôn nhớ 5 việc, đó là: Phụng dưỡng cha mẹ, thay cha mẹ gánh vác công việc nặng nhọc, giữ gìn truyền thống gia phong, bảo vệ tài sản được thừa kế từ cha mẹ, khuyến khích cha mẹ hướng thiện và biết quy kính Tam Bảo. Còn đối với truyền thống dân tộc, những việc làm có hiếu đó là phải biết kính trọng, thương mến cha mẹ, biết vâng lời và phụng dưỡng cha mẹ. Xưa kia, chữ hiếu thường tuân theo các tục, như khi cha mẹ còn không nên đi xa, vui vẻ khi được gần cha mẹ; cơm bưng nước rót chăm sóc cha mẹ, có của ngon vật lạ dâng biếu cha mẹ; phải biết lập thân, lập nghiệp làm thỏa lòng cha mẹ, tránh tiếng xấu để làm cho cha mẹ được vẻ vang. Nay vẫn trên nền những tục đó, việc báo hiếu cha mẹ có nhiều sự biểu hiện khác nhau nhưng vẫn luôn hiếu kính hướng về cha mẹ.

Bên cạnh việc hiếu kính cha mẹ, thờ phụng tổ tiên, nối kết ân tình, nghĩa cảm giữa kẻ còn, người mất cũng là một trong những cách thức báo hiếu. Để âm siêu dương thịnh, Đức Phật khuyên chúng ta nên làm những việc thiện, như: Bố thí, cúng dường, phóng sinh, tu phúc; hạn chế sát sinh, tế bái quỷ thần, hoặc đốt vàng mã và tạo các nghiệp ác... Nếu làm được như vậy thì người quá cố sẽ được thoát khỏi ác đạo, sinh lên cõi trời và người sống cũng được lợi ích vô lượng. Cùng với tinh thần này, việc báo hiếu thời nay được quy định trong những tiêu chí ứng xử với cha mẹ, như: Con cháu phải kính trọng, lễ phép, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; yêu thương, quan tâm, chia sẻ tình cảm, nguyện vọng với cha mẹ; học tập, rèn luyện, giữ gìn nền nếp gia đình, phụ giúp cha mẹ và các thành viên trong gia đình những công việc phù hợp với độ tuổi, giới tính; thăm hỏi, chăm sóc động viên, nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà khi cha mẹ, ông bà ốm đau, già yếu, gặp khó khăn trong cuộc sống.

Kinh Phật dạy rằng: “Tột cùng của điều thiện không gì hơn đó là hiếu, tột cùng của điều ác không gì hơn đó là bất hiếu”. Còn trong truyền thống dân tộc, chữ “hiếu” được coi là cái nết đứng đầu trăm nết hay của con người. Một mùa Vu Lan nữa lại về, chợt nhớ những câu thơ: “Trung nguyên ngày hội vọng Vu Lan/Bến giác chiều thu sóng đạo ngàn/Những ai là kẻ mang ơn nặng/Đều vận lòng thành đón Vu Lan”.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy