Những chiếc túi đi học thêm

Những chiếc túi đi học thêm, chúng rất nhẹ, nhưng đè lên vai trẻ những thứ rất nặng, nặng bây giờ và hệ lụy đến cả mai sau…

Đi trên những con đường, kể cả ở thành thị hay nông thôn những ngày hè thường bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ ngồi sau xe người lớn, vai đeo một chiếc túi nhẹ, hoặc cầm một cái cặp nilon. Sẽ có người thắc mắc, ngày hè, mặc quần áo ở nhà, chúng đi đâu mà đi nhiều thế, lại luôn mang những cái túi, cặp giống nhau?

Câu trả lời là chúng đi học thêm. Mùa hè, mặc dù được nghỉ học, không phải đến trường, nhưng với chúng trường học lại dường như chia nhỏ ra, "di chuyển" về nhà các thầy, cô giáo. Mỗi ca học thêm chỉ có một môn, nên chúng chỉ cần cái túi nhỏ. Và việc học thêm diễn ra từ lâu, phổ biến, nên từ lâu ở các hàng văn phòng phẩm, bên cạnh những chiếc túi, cặp đi học, xuất hiện thêm một sản phẩm mới là túi, cặp đi học thêm, được thiết kế nhẹ nhàng, gọn, bỏ được 1-2 cuốn sách, vở.

Tranh minh họa.

Những đứa trẻ với vẻ mặt nhẫn nại, cũng có khi bực bội, mỏi mệt ngồi sau xe. Những chiếc túi nhẹ nhưng đè lên vai trẻ những thứ rất nặng, nặng bây giờ và hệ lụy đến cả mai sau.

Những đứa trẻ tuổi thơ chỉ có học và học, gần như không có thời gian vui chơi, tâm hồn chúng sẽ khô cằn, thiếu hụt, thể chất không có cơ hội phát triển đầy đủ. Những đứa trẻ chỉ suốt ngày bị thụ động nhồi nhét kiến thức trong sách mà không có hoạt động, không học ở bên ngoài cuộc sống sẽ thiếu hụt kỹ năng sống, thui chột sự sáng tạo, khi trưởng thành sẽ trở thành những lao động thụ động.

Một đất nước, một nền kinh tế sẽ thế nào khi tiếp nhận những lớp lao động thụ động, thiếu sự sáng tạo? Một xã hội sẽ thế nào nếu những công dân đã trưởng thành nhưng vẫn thiếu kỹ năng sống?

Cũng có người cho rằng trẻ phải đi học thêm là do bố mẹ. Bố mẹ cứ muốn "nở mày nở mặt" với hàng xóm, đồng nghiệp nên cho con đi học thêm nhiều để con học giỏi. Bố mẹ thì nói nếu chỉ học ở trường, không cho con đi học thêm con không nắm được kiến thức một cách chắc chắn, rồi con bị tụt hậu ở lớp, và hệ lụy các bậc phụ huynh sợ nhất là con chán nản vì học yếu mà la cà vào những trò xấu ngoài xã hội. Cũng có phụ huynh nói do giáo viên ở lớp dạy không nhiệt tình, không đến nơi đến chốn. Giáo viên thì cho rằng không phải họ dạy không nhiệt tình mà do chương trình nặng...

Học sinh phải đi học thêm, do chương trình giáo dục nặng? Do chất lượng chuyên môn, ý thức của giáo viên? Do quản lý chất lượng dạy và học trong nhà trường chưa chặt chẽ? Do tư tưởng trọng bằng cấp trong xã hội còn quá nặng nề? Hay do tất cả? Đã có nhiều tranh luận về vấn đề này, đã có những cải tiến nhưng thực tế vẫn gần như không chuyển biến. Những đứa trẻ vẫn phải đi học thêm, cả trong năm học, khi đã học cả ngày ở trường, lẫn trong hè, khi chúng được phép và có quyền được nghỉ ngơi hoàn toàn để lấy sức cho năm học mới. 

Những chiếc túi đi học thêm, chúng rất nhẹ, nhưng đè lên vai trẻ những thứ rất nặng, nặng bây giờ và hệ lụy đến cả mai sau…

Yên Chính

Đỗ Hồng, Hải Phong

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy