'Hạnh phúc là sự cho đi'

Bác nói đừng nặng lòng với chuyện ơn nghĩa, nếu muốn trả ơn bác thì cách tốt nhất là khi có điều kiện hãy giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình. Bởi hạnh phúc ở cõi đời này chính là sự cho đi.

Ảnh minh họa.

Tôi còn nhớ như in trưa mùa hè năm đó. Đang lui cui nhóm bếp, tôi bỗng nghe tiếng gọi từ nhà trên. Tôi chạy lên và gặp chị Nguyệt, hàng xóm đối diện nhà. Chị bảo tôi ra ngay nhà bác sui để gặp bạn của bác ấy là một Việt kiều Pháp, người này sẽ giúp tôi trong việc học đại học.

Đến nơi, vừa rụt rè dừng xe trước cửa, tôi được một người đàn ông bước ra dắt tay vào nhà. Bác cho biết tên mình là Nguyễn Minh Cần, vừa về từ Pháp.

Khác hẳn vẻ đạo mạo và xa cách trong hình dung của tôi về một Việt kiều, trước mặt tôi là người đàn ông tuổi ngoài lục tuần, tuy hơi sang trọng nhưng vẫn toát lên nét dung dị, gần gũi.

Bác ôn tồn cho biết mong muốn được giúp đỡ một trò nghèo nhưng hiếu học. Nhân chuyến về quê lần này, do hữu duyên, bác được biết trường hợp của tôi.

Bác nói với gia cảnh nghèo khó (tôi là con út trong gia đình tám anh em) nhưng có thành tích thủ khoa kỳ thi tú tài (năm 1996) và danh hiệu học sinh giỏi toàn quốc, đặc biệt cùng lúc đậu cao vào hai trường đại học là kiến trúc và bách khoa, tôi hoàn toàn đáng được sự trợ giúp để đi tiếp vào đại học. Bác nói sẽ giúp bằng cách hỗ trợ tôi mỗi tháng 100 franc.

Bác cho hay, cùng nhận được sự trợ giúp với tôi là một học sinh, tuy cũng khó khăn song em này đã nhận được nhiều sự giúp đỡ nên bác chỉ trao một suất học bổng để khích lệ.

Bác chọn tôi để giúp đến hết khóa học vì theo bác, tôi đã bắt đầu vào đại học, học 5 năm nên bác có khả năng giúp, trong khi đường học của em kia còn dài mà bác không còn trẻ nữa, sợ vô thường đến sẽ không hoàn thành lời hứa thì "có tội"...

Tôi đạp xe như bay về nhà, kể huyên thuyên. Nỗi lo cơm áo ở Sài Gòn phồn hoa sau niềm vui đậu đại học như được trút bỏ; mặc cảm "nghèo mà không chịu an phận" bởi lời xì xầm của hàng xóm như được hóa giải.

Trên hết, những nếp nhăn trên gương mặt mẹ tôi - người phụ nữ nhà quê góa chồng lam lũ nuôi đàn con tám đứa - lần đầu tiên như giãn hẳn ra kể từ sau ngày tôi đậu cùng lúc hai trường đại học.

Trường kiến trúc vốn là đam mê của tôi nhưng theo học trường này thì vô cùng tốn kém, đổi lại, nếu học kiến trúc, tôi sẽ ở trung tâm thành phố nên có cơ hội đi làm thêm kiếm tiền trang trải việc học.

Với 27,5 điểm cho ba môn thi, tôi thuộc diện có học bổng của Đại học Bách khoa song nhiều thông tin cho biết hai năm đầu đại cương tôi sẽ phải học ở Thủ Đức, như vậy rất khó tìm việc làm thêm trong bối cảnh bấy giờ.

Sự khó khăn trong lựa chọn trường học khiến tôi thêm hoang mang, nếp nhăn trên trán mẹ tôi từ đó thêm hằn sâu... Với sự dang tay của bác, tôi - một học trò nghèo nhất xóm nghèo - bước vào đại học nơi phồn hoa đắt đỏ như một giấc mơ.

Lên Sài Gòn, thoạt tiên tôi tạm trú ở nhà trọ của người chị bà con. Những bữa cơm tuy có giá bèo cho sinh viên nhưng gần bằng khẩu phần ăn cả gia đình ở quê cùng cảm giác bất tiện trong sinh hoạt của vợ chồng người chị họ khiến tôi buồn tủi và chán nản.

Được một tuần thì tôi nhận được thư từ Pháp. Là thư của bác. Trong thư bác hỏi han nhiều việc, từ việc làm thủ tục nhập học có dễ không, học phí có nhiều không đến việc ăn uống, đặc biệt là chỗ trọ.

Bác cho biết có người bạn đang tu ở một ngôi chùa tại quận 3, hỏi tôi có thể ăn chay và ở chùa không. Bác nói ăn chay tốt cho sức khỏe, ở chùa tuy có ràng buộc về giờ giấc sinh hoạt nhưng đổi lại không tốn tiền, đồng thời gieo được duyên lành.

Bác kêu tôi mang thư đến chùa gặp thầy, ngõ hầu thầy có thể giúp tôi một chỗ trọ. Thầy cho biết chùa này chỉ có quý thầy tu học chứ không nhận sinh viên do khá chật chội nên giới thiệu tôi đến ở một ngôi chùa khác từng cưu mang nhiều sinh viên nghèo: chùa Đại Hạnh (đường Lý Thái Tổ, quận 3).

Từ đó, cứ đều đặn vào đầu mỗi tháng tôi nhận được tiền bác gửi, bao giờ cũng kèm theo một bức thư. Trong thư bác hỏi thăm từ chuyện gia đình ở quê đến việc sinh hoạt trong chùa, nhất là động viên việc học. Bác dạy tôi ở chùa phải tinh tấn, nên xem chùa như nhà của mình, ngoài giờ học cần phụ giúp quý thầy việc chấp tác...

Kết nối những dòng thư, tôi hiểu thêm câu chuyện của một nhà giáo về hưu xa quê hàng chục năm nhưng luôn đau đáu ân tình với quê nhà và bạn bè, đồng nghiệp. Thỉnh thoảng dịp hè tôi về quê, bác hay "nhờ" tìm giúp nhiều người trong nhạt nhòa ký ức.

Đó có khi là đồng nghiệp, khi là con cháu của bạn bè một thời khốn khó... để trao giúp những món quà bác dành dụm gửi về như một sự sẻ chia. Tôi đã hiểu lý do bác chọn giúp tôi mà không giúp em học sinh nọ.

Đó là vì bác sống chung với con cái, bác giúp đỡ tôi chính từ số tiền ít ỏi của các con cho bác dành dụm. Tôi cũng được biết bác vốn xuất thân từ gia đình có truyền thống gắn với nghiệp trồng người, vì vậy bác rất trân trọng sự học.

Không chỉ giúp tôi, bác đã giúp rất nhiều học trò nghèo khác trong hành trình làm việc thiện không mệt mỏi của mình...

Tôi đặc biệt nhớ lần nọ, sau khi về quê ăn tết, lên chùa tôi nhận được thư của bác. Bức thư như một "lời trách". Chuyện là trước tết tôi đã gửi cho bác một tấm bưu thiếp chúc xuân. Bác nói tôi còn sinh viên khó khăn, chỉ cần gửi thư thăm là bác mừng, mua bưu thiếp tốn tiền.

Số tiền thay vì mua bưu thiếp nên dành cho việc học. Nếu được, khi có dịp về quê nhặt gửi cho bác chiếc lá dầu khô trên đường Lê Thánh Tôn, bởi bác rất nhớ quê nhà và con đường kỷ niệm thời đi học...

Ra trường tôi về quê làm việc và vẫn đều đặn gửi thư thăm bác. Bác rất mừng khi biết tôi đã dành dụm cất lại nhà cho gia đình.

Khi tôi cho rằng gia đình tôi có được hôm nay là nhờ công ơn giúp đỡ của bác thì bác nói đừng nặng lòng với chuyện ơn nghĩa, nếu muốn trả ơn bác thì cách tốt nhất là khi có điều kiện hãy giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình. Bởi hạnh phúc ở cõi đời này chính là sự cho đi.

Giờ đây, là một kiến trúc sư, tuy không giàu có như quan niệm của nhiều người song tôi nhận ra cuộc sống gia đình tôi có được hôm nay như thể một giấc mơ: giấc mơ bắt đầu từ khoảnh khắc tôi được gặp bác.

Và trên hết, giấc mơ ấy không chỉ thay đổi cuộc sống vật chất của gia đình mà giúp tôi ngộ ra giá trị của cuộc đời: hạnh phúc là sự cho đi.

Nhớ lời bác dạy, ngoài việc chuyên tâm cùng bạn bè làm nhiều việc thiện giúp người nghèo bệnh tật có cơ hội chữa bệnh, tôi cũng đều đặn nhận đỡ đầu cùng lúc vài em học trò có hoàn cảnh khó khăn.

Nhìn những gương mặt giãn ra sau những lo âu khi nhận được sự trợ giúp cơ hội chữa bệnh của người thiếu may mắn, nghe thông tin đậu đại học của những trò nghèo được hỗ trợ, tôi hiểu mình đang gom được nhiều hạnh phúc của sự cho đi, từ lời dạy của bác.

Theo Tuổi trẻ

Hải Phong

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.