Quan tâm tháo gỡ khó khăn trong công tác hòa giải

Hòa giải ở cơ sở là hoạt động thường xuyên tại mỗi cộng đồng dân cư, góp phần giảm thiểu hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững ổn định an ninh trật tự (ANTT). Thực tế công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh nhiều năm qua cho thấy bên cạnh những kết quả tích cực vẫn còn những khó khăn, bất cập tác động đến chất lượng, hiệu quả thực hiện, cần được quan tâm tháo gỡ.

Toàn tỉnh hiện có 1.236 tổ hòa giải, 8.014 hòa giải viên. Những người "vác tù và hàng tổng" này đã góp phần quan trọng trong giải quyết các vụ việc vi phạm pháp luật, mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, giữ vững ổn định ANTT ở cơ sở.

Năm nay đã 68 tuổi nhưng ông Nguyễn Đức Kim (Tổ hòa giải thôn Lương Ý, xã Mỹ Thọ, Bình Lục) vẫn cần mẫn, nhiệt huyết với công việc được xem là "xen mồm vào chuyện thiên hạ" này.

Ông Kim chia sẻ: Tổ hòa giải cơ sở chủ yếu giải quyết những phát sinh mâu thuẫn nhỏ (tranh chấp đất đai, bạo lực gia đình, tranh cãi vợ chồng, gây gổ, xô xát…), do vậy mỗi hòa giải viên phải là người thường xuyên sâu sát tình hình, kiên nhẫn dùng sự hài hòa giữa lý và tình để thuyết phục đôi bên, có vậy mâu thuẫn mới có thể được hóa giải theo hướng nhẹ nhàng, êm thấm.

Gần 20 năm gắn bó với công việc, va chạm với không ít câu chuyện bi hài sau lũy tre làng, ông Kim đã chứng kiến đôi khi chỉ vì mâu thuẫn nhỏ (mất chùm nhãn, trái ổi, tranh chấp bờ rào, bờ giậu…) cũng có thể xảy ra gây gổ, xô xát. Những vụ việc ấy đều được thành viên tổ hòa giải kịp thời có mặt, phân tích thấu tình đạt lý, giúp đôi bên dịu bớt gay gắt, đồng ý bắt tay giải hòa, làm lành.

Các thành viên trong tổ hòa giải xã An Lão (Bình Lục) trao đổi về các vụ việc hòa giải.

Chị Nguyễn Thị Sim, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã An Lão (Bình Lục) đã có thời gian hơn 7 năm tham gia công tác hòa giải. Chị Sim cho biết, xã có 11 tổ hòa giải với 134 hội viên. Các tổ hòa giải phân công thành viên phụ trách phủ kín cụm dân cư để kịp thời phát hiện, hòa giải những mâu thuẫn mới phát sinh mà không cần phải đợi có đơn yêu cầu hòa giải.

Bản thân chị Sim dù bận rộn do phải kiêm nhiều vị trí công tác nhưng vẫn luôn dành thời gian tới từng nhà thăm hỏi, nhất là những hộ hay xảy ra bạo lực gia đình, tranh cãi… để động viên, chia sẻ, giúp họ hiểu và chấp hành pháp luật, biết chủ động bỏ qua mâu thuẫn để hướng tới những điều tốt đẹp, thân thiện.

Thực tế, ở cơ sở không thiếu những người tâm huyết, sẵn lòng "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng" như ông Kim, chị Sim, nhưng khó khăn do hạn chế về trình độ chuyên môn, năng lực của hòa giải viên, do nguồn kinh phí eo hẹp hay trách nhiệm của các bên liên quan chưa cao…đang là rào cản ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở.

Khó khăn trước hết là về kinh phí hoạt động. 6 tháng đầu năm 2018, các hòa giải viên đã hòa giải thành 716/811 vụ việc (đạt tỷ lệ  82%). Cơ chế hỗ trợ cho tổ hòa giải được thực hiện từ đầu năm với mức 150.000 đồng/1 vụ việc hòa giải thành, mức hỗ trợ này quá thấp so với mặt bằng giá cả hiện nay.

Đội ngũ hòa giải viên không được hưởng lương chuyên trách, trong khi các cấp, ngành chức năng chưa có sự huy động nguồn lực xã hội tham gia hỗ trợ kinh phí cho công tác này. Nhiều vụ việc tranh chấp, nhất là tranh chấp đất đai, đương sự thường muốn chuyển vụ việc lên cấp trên giải quyết theo thẩm quyền, không muốn hòa giải ở cơ sở cũng là một khó khăn.

Thêm vào đó, một bộ phận hòa giải viên còn hạn chế về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm hòa giải, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả hòa giải thành. Với một số vụ việc mâu thuẫn gia đình, vẫn còn hòa giải viên có tư tưởng ngại can thiệp vào "nội bộ nhà người ta" nên chưa mạnh dạn, quyết đoán và kịp thời hòa giải.

Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Trưởng phòng Tư pháp huyện Bình Lục cho biết: Nhiều hòa giải viên chưa phân biệt rõ đâu là vụ việc có thể hòa giải, còn lúng túng khi áp dụng luật vào hòa giải mâu thuẫn có liên quan. Trong khi đó, quy định pháp luật vẫn còn nhiều bất cập.

Dù có quyết định của tòa án nhưng chưa có quy định mang tính ràng buộc, bắt buộc thực hiện những thỏa thuận, cam kết khi hòa giải thành dẫn đến làm hạn chế tính hiệu quả của hoạt động hòa giải.

Thêm vào đó, việc hòa giải ở cơ sở chỉ được thực hiện theo yêu cầu của các bên, nếu các bên không đồng ý, hòa giải viên không thể thực hiện hòa giải.

Có thể thấy, công tác hòa giải hiện vẫn còn không ít khó khăn về điều kiện cũng như bất cập về cơ chế, chính sách cần quan tâm giải quyết. Vì thế, cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp đúng, trúng, phù hợp để từng bước tháo gỡ, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả và tỷ lệ thành công các vụ việc hòa giải, góp phần phát huy hơn nữa vai trò, sự đóng góp của đội ngũ hòa giải viên trong thực hiện nhiệm vụ giữ vững ổn định tình hình ở cơ sở.

Thanh Vân

Thanh Vân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy